Triệu chứng của vịt mắc bệnh dịch tả và biện pháp phòng trị bệnh

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Xin cho biết triệu chứng của vịt mắc bệnh dịch tả? Biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả?

(Câu hỏi của Trần Tiến, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)

Trả lời:

Bệnh dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một virus thuộc nhóm Herpes gây bại huyết, xuất huyết. 

Bệnh dịch tả vịt có thể lây trực tiếp do tiếp xúc giữa vịt khỏe và vịt ốm hoặc vịt mang trùng. Bệnh lây gián tiếp qua đường tiêu hóa (thức ăn, nước uống), hoặc qua đường hô hấp. Nếu cho vịt khỏe tiếp xúc với nước ao tù, hoặc nơi chăn thả vịt bệnh chúng sẽ bị lây bệnh. Trên cùng một thửa ruộng chăn thả nhiều đàn vịt, nếu một đàn vịt bệnh chúng sẽ lần lượt lây cho các đàn khác. 

Thời gian ủ bệnh thường từ 3 ngày đến 7 ngày tùy theo độc lực của virus. Triệu chứng đặc trưng là sốt cao, sưng phù đầu, mù mắt, tiêu chảy phân trắng xanh, biểu hiện thần kinh quẹo đầu. Vịt, ngan, ngỗng bị bệnh có hiện tượng giảm ăn, mất thăng bằng, phân loãng, xù lông, chảy nước mũi, mắt có dử, mí mắt sưng. Con vật sợ ánh sáng.

Khi đàn vịt bị bệnh phải thực hiện nuôi nhốt; thu gom những con ốm, chết để tiêu hủy; vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ hoặc chôn; phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi. Cho vịt uống nước tỏi hàng ngày với lượng 10 g giã nhỏ hòa với 1 lít nước. 

Dùng kháng thể dịch tả và viêm gan ngan, vịt tiêm cho đàn vịt. Sau khi sử dụng kháng thể 1 ngày, dùng vaccine dịch tả vịt liều gấp 2 lần so với liều tiêm phòng. Dùng thuốc diệt vi khuẩn kế phát: Doxycycline hoặc Florphenicol hoặc Neoteson, 1 trong các loại thuốc trên kết hợp với Amoxicillin, dùng liên tục trong 5 – 7 ngày. Bổ sung thêm thuốc bồi bổ cơ thể và kích thích tiêu hóa hấp thu Gluco – K – C + Vitamin A, D, E, men tiêu hóa và thuốc bổ gan thận hòa cho uống hàng ngày, dùng liên tục trong 10 ngày liền. 

Để phòng bệnh, cần chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, đặc biệt cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn máng uống; định kỳ phun khử trùng trong, ngoài chuồng nuôi, bể tắm 1 – 2 tuần/lần. Nếu chăn thả vịt phải tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh theo quy định trước khi thả 3 tuần, chăn thả có kiểm soát, tuân thủ theo quy định của thú y địa phương.

hỏi đáp chăn nuôi

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *