Triển vọng vùng nguyên liệu Tây Nguyên

(Người Chăn Nuôi) – Là một trong những nước có ngành nông nghiệp phát triển trên thế giới, thế nhưng, điểm yếu trong sản xuất, nhất là những yếu tố đầu vào như nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã kìm hãm sự bứt tốc của ngành hàng này. Nhằm triệt để khai thác thế mạnh nước nông nghiệp và giảm sự phụ thuộc nhập khẩu, việc tìm kiếm và quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu đầu vào trong chế biến TĂCN đang đặt ra ngày càng cấp bách đối với ngành nông nghiệp nước nhà. Vùng đất Tây Nguyên với ưu thế về thổ nhưỡng đang được chú trọng.

Thế mạnh vùng đất đỏ bazan

Với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 5 triệu ha, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, nông nghiệp Tây Nguyên đã ghi dấu một năm thành công, không chỉ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu mà nông sản Tây Nguyên còn thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa cao như Nhật Bản và EU.

Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có lợi thế lớn về đất đai, với 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, chiếm đến 60% đất bazan cả nước, rất phù hợp với những cây công nghiệp dài ngày. Theo đó, sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên cơ bản đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp và tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, ngô lai, bông vải, chè, rau, hoa quả…

nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Tây Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển cây ngô làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Đ.H

Hơn nữa, đây cũng là vùng được đánh giá cao về phát triển cây lương thực, trong đó, sắn và ngô cũng là thế mạnh. Theo thống kê, khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang có diện tích trồng sắn gần 265.000 ha, chiếm 50,9% diện tích của cả nước, năng suất trung bình đạt 19,4 tấn/ha.

Với riêng cây sắn, vùng Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai đang có những ưu thế rất lớn. Trước đó, Trung tâm Khuyến nông cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm”. Dự án này đã thực hiện tại 5 tỉnh, trong đó có Gia Lai.

Với cây ngô, hiện nay Việt Nam có diện tích trồng ngô không lớn và những năm qua còn có xu hướng giảm về diện tích do giá ngô rẻ, đầu ra bấp bênh, chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu ngô nguyên liệu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày thiếu hụt. Do vậy, đã đến lúc nước ta cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển TĂCN nói chung và nguyên liệu ngô nói riêng để có thể đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ngô nguyên liệu, tạo việc làm cho nông dân.

Đi trước một bước, Tập đoàn De Heus Việt Nam đã lên kế hoạch phối hợp với Tổ chức Phát triển hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) xây dựng vùng ngô nguyên liệu TĂCN tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum; đồng thời mong muốn cùng chung tay với Bộ NN&PTNT cùng triển khai Dự án.

 

Xác định trọng điểm

Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với Agriterra tổ chức “Hội thảo đánh giá triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên”.

Thông tin tại Hội thảo cho biết, nguyên liệu TĂCN sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng 30 – 35% nhu cầu, trong khi chi phí TĂCN chiếm 65 – 70% giá thành, do vậy nếu không chủ động nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Bởi, hàng năm nước ta phải chi hơn 9 tỷ USD để nhập khẩu hơn 20 triệu tấn các loại nguyên liệu TĂCN.

Ở trong nước, Tây Nguyên được đánh giá là có lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu TĂCN của Việt Nam, thế nhưng vẫn thiếu các chính sách thúc đẩy sản xuất ngô, sắn tại khu vực này…

Ông Thái Hồng Lam, chuyên gia tư vấn của Agriterra cho biết, Agriterra đã tiến hành nghiên cứu về sản xuất và thị trường ngô, sắn tại khu vực Tây Nguyên. Các tỉnh được khảo sát có thế mạnh về diện tích sản xuất lớn, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thích hợp cho sản xuất ngô và sắn, đặc biệt là Gia Lai và Đăk Lắk.

Theo tính toán, năng suất trồng ngô ở Tây Nguyên cao so với các vùng khác của cả nước (năng suất bình quân năm 2021 đạt 5,99 tấn/ha, trong khi trung bình của cả nước là 4,93 tấn/ha). So sánh hiệu quả kinh tế cho thấy cây ngô và cây sắn có khả năng cạnh tranh khá cao với các cây hàng năm khác ở Tây Nguyên. Hơn nữa, giá ngô, sắn ở đây có khả năng cạnh tranh với ngô nhập khẩu.

Tuy nhiên, đến nay các dịch vụ hỗ trợ của Chính phủ tại Tây Nguyên chủ yếu tập trung vào cây công nghiệp và cây ăn quả, lĩnh vực ngô và sắn chưa nhận được sự quan tâm nhiều. Công nghệ tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sắn chậm phát triển hoặc đưa vào sản xuất ở mức độ khiêm tốn. Nhiều vùng trồng sắn, ngô còn độc canh, kỹ thuật không bền vững dẫn đến cạn kiệt chất dinh dưỡng của đất và suy thoái môi trường. Cơ giới hóa trong sản xuất sắn và ngô còn hạn chế.

Chưa kể, thị trường ngô, sắn ở Tây Nguyên vẫn phụ thuộc vào nhiều thương lái, đại lý và thiếu vai trò của các doanh nghiệp đầu mối. Liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh còn yếu. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao…

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Tây Nguyên là vùng thuận lợi để phát triển một số loại cây trồng làm thức ăn xanh sinh khối như ngô, sắn. Tuy nhiên, để cạnh tranh với những loại cây trồng khác ở khu vực này, cần làm sao nâng cao được hiệu quả kinh tế. Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu lớn đáp ứng quy mô công nghiệp, phải xây dựng được mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, qua đó liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Cùng đó, ông Willemink Arno, Giám đốc Vận hành Công ty De Heus Việt Nam cho rằng, phải tập trung giảm chi phí và nâng cao năng suất, như áp dụng những kỹ thuật tiên tiến hơn vào trồng trọt, sử dụng phân bón hiệu quả hơn; nâng cao công nghệ chế biến (khâu thu hoạch và sấy khô), bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt là thu hẹp khoảng cách giá giữa người nông dân và người mua cuối cùng, tức là giảm khâu trung gian. Có như vậy mới tăng được khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngô trong nước nói chung và của vùng Tây Nguyên nói riêng. 

Xa hơn, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất đánh giá lại toàn bộ thực trạng diện tích, sản lượng ngô tại Tây Nguyên. Đồng thời xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng ngô, sắn tại một số huyện, kết nối bà con lại với nhau cùng với doanh nghiệp làm ăn có lợi.

“Hạn chế hiện nay là năng suất ngô của Việt Nam mới được 4,8 tấn/ha, trong khi năng suất ngô trung bình thế giới là 9,8 tấn/ha. Diện tích gieo trồng ngô cũng giảm mạnh, cả nước hiện chỉ còn hơn 600.000 ha.”

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Hồng Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *