(Người Chăn Nuôi) – Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang khẩn trương khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của bão số 3, lĩnh vực chăn nuôi cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu năm 2024 với mức tăng trưởng 4,0 – 5,0%.
Bộ NN&PTNT nhận định, sản xuất nông lâm thủy sản trong 9 tháng đầu năm chịu tác động của dịch bệnh, hạn hán, biến động thị trường; riêng tháng 9 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão số 3 (Yagi) và mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ, gây thiệt hại lớn về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Hiện nay, các địa phương vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả của bão và mưa lũ, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân tại các nơi bị ảnh hưởng. Tính chung 9 tháng, kết quả sản xuất toàn ngành vẫn tăng trưởng khá.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trả lời báo chí về kết quả sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng qua. Ảnh: Thùy Khánh.
Theo tính toán của các chuyên gia, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 3,1 – 3,2%. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi đạt 6,13 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, đàn trâu giảm khoảng 3,6%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 90,5 nghìn tấn, giảm 0,1%. Đàn bò giảm khoảng 0,4%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 378,1 nghìn tấn, tăng 1,3%; sữa bò tươi 942,3 triệu lít, tăng 5,6%. Đàn heo ước tính tăng 2,5%, sản lượng thịt heo hơi 3.835 nghìn tấn, tăng 5,2%. Đàn gia cầm tăng 2,2%; sản lượng thịt 1.821,6 nghìn tấn, tăng 4,9%; trứng 14,95 tỷ quả, tăng 5,0%.
Thống kê đến ngày 25/9, cả nước không có dịch tai xanh; 1 ổ dịch cúm gia cầm tại Bình Phước; 156 ổ dịch tả heo châu Phi tại 24 tỉnh, thành phố; 4 ổ dịch lở mồm long móng tại Quảng Trị và 7 ổ dịch viêm da nổi cục tại 4 tỉnh chưa qua 21 ngày. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã có 148.469 gia súc, gia cầm chết và tiêu hủy.
Cũng trong 9 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ; đóng góp vào kết quả này chăn nuôi đạt 376 triệu USD, tăng 3,8%. Mặc dù có biến động tăng ở một số mặt hàng tuy nhiên thị trường trong nước vẫn giữ ở mức ổn định. Giá heo hơi có xu hướng tăng vào cuối tháng 9 ở cả 3 miền.
Chia sẻ thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng 4,0 – 5,0%; sản lượng thịt heo 5,02 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm 2,41 triệu tấn. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành nông nghiệp vừa bị thiệt hại nghiêm trọng sau bão số 3 và mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu như trên đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức.
Trong đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Trước mắt, các tỉnh phía Bắc dồn toàn lực tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau bão số 3 về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tăng cường kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn,… trên các đối tượng, nhất là chăn nuôi heo
Ngoài ra, cần triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; tránh tình trạng tăng đột biến về giá. Nghiên cứu xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt đối với một số bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, dại,… Cần xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm.
Thùy Khánh