Tình trạng khủng hoảng thiếu trứng ngày một tệ hơn

Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm toàn cầu kết hợp với việc tăng chi phí nhiên liệu, thức ăn, bao bì có thể gây ra tình trạng thiếu trứng ngày một tệ hơn.

Theo các chuyên gia, trứng là mặt hàng chủ lực trong giỏ thức ăn hằng ngày của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, trứng vẫn được mua dễ dàng và tương đối rẻ, từ các cửa hàng tạp hóa, và thường dự trữ trong nhà bếp của các gia đình.

Tuy nhiên mặt hàng thiết yếu này ngày càng trở nên khó kiếm hoặc đắt đỏ hơn trong những tháng gần đây. Ngay tại một số cửa hàng trên khắp nước Mỹ, khách hàng đã bị giới hạn số lượng hộp trứng mà họ có thể mua.

Một trong những lý do đằng sau sự thiếu hụt đột ngột hiện nay là sự bùng phát của dịch cúm gia cầm, bắt đầu vào năm ngoái đã giết chết hàng triệu con gia cầm ở hàng chục quốc gia trên thế giới, bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã. Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đã có trên 58 triệu con gia cầm ở 47 bang đã bị ảnh hưởng bởi dịch cúm lây lan.

khủng hoảng trứng gia cầm

Trứng gia cầm được bày bán bên trong một siêu thị Costco ở Hawthorne, bang California, vào ngày 26 tháng 1 năm 2023. Ảnh: FALLON/ AFP

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng được cho là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt trứng lan rộng hiện nay, cũng như lạm phát và chi phí xăng và dầu tăng mạnh vào năm ngoái. Tuy nhiên, trong khi lạm phát đã được kiềm chế từ cuối năm ngoái, giá trứng đã đạt đỉnh vào tháng 12, khi chi phí trung bình cho một tá trứng ở các thành phố của Mỹ đạt 4,25 USD (tương đương 8.500 đồng/quả), cao hơn 1,78 USD so với một năm trước đó.

Trong tương lai, khi lễ Phục sinh đang đến gần (9/4/2023), tình trạng khủng hoảng thiếu trứng gia cầm vẫn dường như không có bất kỳ giải pháp nào.

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn là chi phí nhiên liệu, vận chuyển, thức ăn chăn nuôi và đóng gói đã tăng lên kể từ đại dịch COVID-19 cùng với dịch cúm gia cầm hiện vẫn không có dấu hiệu chựng lại.

Trong khi đó, hiện chủng virus cúm gia cầm biến thể mới vẫn đang lây lan mạnh giữa các loài chim hoang dã trên khắp thế giới có khả năng lây truyền cao giữa các loài động vật và cực kỳ nguy hiểm khiến năng suất đàn gia cầm sụt giảm mạnh.

Theo đó, ít gia cầm hơn có nghĩa là ít trứng hơn, đặc biệt là khi virus cúm gia cầm đang có xu hướng ảnh hưởng nhiều đến những đàn gia cầm nuôi đẻ trứng, hơn là đàn gia cầm nuôi lấy thịt. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, việc tiêu hủy gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi thương mại trong nước đã khiến nguồn cung trứng tại quốc gia này giảm trung bình 7,5% mỗi tháng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào năm ngoái. Ngoài ra, khi mùa xuân đến gần, cùng với sự di cư mới của các loài chim hoang dã, rất có thể một làn sóng lây nhiễm mới có thể sẽ tấn công đàn gia cầm Mỹ.

Lễ Phục sinh (hay còn được gọi là Easter Day, ngày Chúa sống lại, ngày Chúa phục sinh…) là một ngày lễ rất quan trọng đối với những người theo Kitô giáo (bao gồm Công giáo, đạo Tin lành, Chính thống giáo)…

Trong khi đó, trứng được coi là biểu tượng nguyên thủy, cổ xưa nhất của lễ Phục sinh. Theo đó, người ta thường tặng cho nhau những quả trứng do chính tay mình trang trí để nhằm cầu chúc cho bạn bè, người thân những điều may mắn, tốt lành nhất trong cuộc sống.

Lý do trứng được coi là một biểu tượng của ngày lễ Phục sinh- đó chính là từ xa xưa, quả trứng đã gắn liền với ý nghĩa của sự tái sinh, sinh sôi, nảy nở. Người phương Tây còn tin rằng, Trái đất này được tạo ra từ một quả trứng khổng lồ.

Kim Long (Newsweek)

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *