Chiều ngày 9/3, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và lãnh đạo Cục Chăn nuôi đã có buổi làm việc với Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai về tình hình chăn nuôi hiện nay và giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của Đông Nam Bộ, nơi cung cấp nguồn cung sản phẩm chăn nuôi chủ lực cho thị trường TP HCM.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã phản ánh những khó khăn mà ngành chăn nuôi đang đối mặt như: giá sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất trong khi chi phí đầu vào cao; chăn nuôi nông hộ, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi vốn đầu tư nước ngoài; còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng tăng…
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, giá thành heo hơi trong nước hiện khoảng 55.000 đồng/kg, bằng giá thịt heo nhập khẩu đã pha lóc như cốt-lết, nạc vai… nên rất khó cạnh tranh.
Đặc biệt, lo lắng lớn nhất của cộng đồng chăn nuôi hiện nay là tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định di dời hơn 2.100 cơ sở chăn nuôi và buộc ngưng hoạt động khoảng 900 cơ sở chăn nuôi theo lộ trình trước ngày 31-12-2024.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết sản lượng chăn nuôi của số trại thuộc diện di dời, ngưng hoạt động chiếm hơn 50% sản lượng chăn nuôi toàn tỉnh; trong đó có nhiều trang trại mới được cấp phép được đầu tư bài bản, vốn lớn. Do đó, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị chính quyền phân loại trang trại để có hướng giải quyết phù hợp, tránh gây thiệt hại cho chủ trang trại, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi. Theo ông, không riêng ở Việt Nam mà giá heo hơi các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn Việt Nam. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giá heo hơi hồi tháng 10-2022 là 87.000 đồng/kg, nay còn 55.000-58.000 đồng/kg, dù nước này đã mở cửa trở lại. Cục Chăn nuôi hy vọng sang quý II, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, phần nào gỡ khó cho hộ nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ khó khăn của ngành chăn nuôi Đồng Nai đang đối diện. Đây cũng là khó khăn chung trong nước, do nhiều nguyên nhân nên sức mua của thị trường chậm lại. Tuy nhiên, ông cho biết từ cuối tháng 2/2023, tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đã tăng lên, và dự báo trong quý II/2023 sẽ có bước tăng trưởng nhanh, là động lực phục hồi sức mua.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên (bắp, khoai mì) để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục xuất khẩu. Mới đây, Công ty CP Ba Huân đã xuất khẩu thành công trứng gà tươi sang Hồng Kông – Trung Quốc với khối lượng 1 container/tuần.
Thứ trưởng khuyến cáo, để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi phải liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường. Ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường
Liên quan quyết định di dời hoặc buộc ngưng hoạt động với hàng loạt trang trại chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý tỉnh Đồng Nai xem xét cụ thể từng trường hợp, nhất là những trang trại có giấy phép hoạt động còn hiệu lực; đồng thời, cần có lộ trình chuyển tiếp phù hợp. "Di dời, đóng cửa hơn 3.000 trang trại trong thời gian ngắn như vậy không phải chuyện đơn giản!" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu quan điểm.
BBT tổng hợp
Nguồn: Mard.gov.vn