Tiêu thụ trứng ở Việt Nam vẫn ở mức thấp

(Người Chăn Nuôi) – Tiêu thụ trứng ở nước ta hiện vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Sản xuất, thương mại trứng gia cầm ở Việt Nam và thế giới – triển vọng thị trường” do Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức sáng 9/10/2021.

Tiềm năng còn rất lớn

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, năm 2020, xuất khẩu trứng gà toàn cầu đạt khoảng 2 triệu tấn về lượng và 3,5 tỷ USD về giá trị. Trong đó, các nước xuất khẩu lớn là Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Mỹ, Đức, Trung Quốc… Dự báo thị trường trứng toàn cầu sẽ tăng từ 213,13 tỷ USD năm 2020 lên 227,39 tỷ USD vào năm 2021.

ngày trứng thế giới

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA chủ trì Hội thảo trực tuyến

Tại Việt Nam, những năm gần đây, sản lượng trứng sản xuất hàng năm không ngừng gia tăng, từ 8,87 tỷ quả trong năm 2015 đã tăng lên gấp đôi là 16,55 tỷ quả vào năm 2020. Sản lượng trứng gia cầm Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 tăng trưởng bình quân 12,67%/năm, cao hơn 4 lần so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu trong cùng giai đoạn. Tuy vậy, tiêu thụ trứng ở Việt Nam đến nay vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, mới chỉ đạt 149 quả/người/năm 2020 và phần lớn sản lượng trứng được tiêu thụ trên thị trường là trứng tươi. Trong khi đó, tiêu thụ trứng bình quân của thế giới khoảng 210 – 220 quả/người/năm. Một số quốc gia tiêu thụ trứng trên 300 quả/người/năm như một số nước EU, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Malaysia và Indonesia…

“Với dân số sẽ tăng trên 100 triệu dân, tiềm năng thị trường tiêu thụ trứng trong nước vẫn còn lớn. Tuy vậy, thời gian qua, do giá cả không ổn định, sức tiêu thụ hiện tại chưa cao, khiến áp lực cạnh tranh của các sản phẩm trứng thương phẩm rất khốc liệt, buộc một số doanh nghiệp, trang trại phải giảm công suất hoặc tạm dừng mở rộng đầu tư”, ông Sơn cho biết thêm.

 

Ảnh hưởng vì COVID-19

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Khối phân tích ngành hàng ArgoMonitor đánh giá: Đối với thị trường nước ngoài, hiện nay các nước sản xuất trứng lớn đang nổi lên là Trung Quốc, Mỹ, khu vực EU, Ấn Độ. Đây là những nước có ngành công nghiệp thực phẩm phát triển và là nước đông dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu, các quốc gia này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất.

“Đối với thị trường trong nước, kênh phân phối trứng của chúng ta hiện nay là 50% đến hộ gia đình dùng cho bữa ăn hàng ngày và 50% đến bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19 nên nhiều nhà máy, trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể… phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Kết hợp với việc nhận thức của người dân về vai trò thực sự của trứng trong đời sống hàng ngày chưa đầy đủ nên sức tiêu thụ của thị trường giảm đáng kể. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp được sử dụng trứng làm nguyên liệu như sản xuất bánh kẹo cũng bị ngưng trệ. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất đối với ngành chăn nuôi gia cầm là vấn đề giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao”, bà Yến nói thêm.

Vì vậy theo bà Yến, mặc dù Việt Nam có lợi thế về các điều kiện sản xuất như thời tiết, khí hậu, truyền thống chăn nuôi lâu đời, sự nhạy bén của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy trình, công nghệ mới… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, không nên quá kỳ vọng vào những tháng cuối năm 2021 mà phải đến đầu năm 2022, khi Việt Nam có mức độ tiếp cận vaccine COVID-19 tốt hơn thì nhu cầu mới có khả năng tăng lên.

Đồng quan điểm, Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân cho hay, dịch COVID-19 khiến ngành trứng lao đao, thị trường có lúc rất “hot”, nhưng có lúc lại không bán được.

Cũng tại Hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp trứng đã phát biểu những ý kiến rất tâm huyết với mong muốn ngành trứng sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới, bởi đây là ngành cung cấp thực phẩm nhanh nhất, rẻ nhất cho người tiêu dùng. Đồng thời cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm hơn nữa để ngành trứng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

>> Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân: “Thế giới tiêu thụ rất mạnh trứng và sữa. Nhà nào, lúc nào cũng có trứng, cả tầng lớp thượng lưu, người dân bình thường. Ở nước ta, người dân thượng lưu sử dụng trứng rất ít. Tôi rất buồn vì những sản phẩm của chúng ta không được truyền thông giới thiệu nhiều để sánh vai cùng thế giới”.

Phương Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *