Tiêu chuẩn Halal của Malaysia còn nghiêm ngặt hơn các thông lệ quốc tế

Theo báo cáo của đại diện thương mại Hoa Kỳ, tiêu chuẩn Halal của Malaysia quy định về thịt nhập khẩu được xem là nghiêm ngặt, quy củ nhất trong các quốc gia.

Theo một báo cáo của Đại diện thương mại Mỹ, các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường Malaysia thậm chí đã khiến các doanh nghiệp trong ngành Halal của nước này phải lo ngại.

Malaysia yêu cầu tất cả các loại thịt nhập khẩu, ngoài thịt lợn và các sản phẩm từ động vật, kể cả các sản phẩm từ sữa, phải có chứng nhận Halal của cơ quan cấp chứng nhận tại nước ngoài đã được nước này chấp nhận, như một điều kiện để được nhập khẩu vào thị trường.

Cụ thể, báo cáo của Đại diện thương mại Mỹ nêu rõ, Malaysia yêu cầu các nhà máy giết mổ phải duy trì các cơ sở sản xuất Halal chuyên dụng. Các nhà máy này cũng phải tách biệt các cơ sở lưu trữ và vận chuyển cho các sản phẩm Halal và không Halal.

tiêu chuẩn Halal

Báo cáo của đại diện thương mại Hoa Kỳ nêu rõ Malaysia yêu cầu các nhà máy giết mổ phải duy trì các cơ sở sản xuất Halal chuyên dụng. 

Trong khi đó, thông lệ quốc tế có liên quan vẫn cho phép thực phẩm Halal được chuẩn bị, chế biến, vận chuyển hoặc lưu trữ tại các cơ sở đã từng được sử dụng cho thực phẩm không Halal, miễn là tuân thủ các quy trình vệ sinh theo quy tắc của đạo Hồi.

Báo cáo Ước tính thương mại quốc gia năm 2025 của Mỹ, công bố ngày 31/3 chỉ rõ lo ngại của các công ty Mỹ về chi phí xây dựng các cơ sở sản xuất mới, tách biệt để đủ tiêu chuẩn tiếp cận thị trường Malaysia. Báo cáo cũng lưu ý, ngoài các yêu cầu chứng nhận Halal, Kuala Lumpur yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất thịt, gia cầm và sản phẩm từ sữa xuất khẩu vào nước này phải được đăng ký với Sở Dịch vụ thú y (DVS).

“Quy trình này yêu cầu phải nộp đơn kèm theo nhiều tài liệu hỗ trợ, để DVS xem xét. Quá trình xét duyệt có thể mất vài tháng”, báo cáo cho biết thêm.

Sau khi nhận đơn, DVS và Sở Phát triển Hồi giáo sẽ kiểm tra từng nhà máy tại nước sở tại sản xuất các sản phẩm thịt và gia cầm trong đơn. Đại diện thương mại Mỹ cho biết, việc cập nhật đăng ký có thể gây ra thêm sự chậm trễ từ “vài tuần đến vài tháng”.

Do đó, phía Mỹ cho rằng, hệ thống đăng ký quá cồng kềnh nêu trên, gây ra sự chậm trễ đáng kể mà không cần thiết, khi xét đến lịch sử lâu dài của Mỹ trong việc cung cấp các sản phẩm động vật an toàn cho Malaysia.

Ngoài ra, các cơ sở đã hoàn thành việc đăng ký với DVS vẫn phải đối mặt với những thách thức do quy trình phức tạp này. “Những khác biệt nhỏ giữa giấy chứng nhận xuất khẩu và thông tin chi tiết về cơ sở trong hệ thống đăng ký cũng có thể dẫn đến việc các lô hàng bị giữ lại, thường phải mất vài ngày đến vài tuần để xác minh làm rõ”.

>> Tiêu chuẩn Malaysia về thực phẩm Halal được sửa đổi lần cuối vào năm 2009, kể từ khi thành lập lần đầu tiên vào 2004. Trong gần 10 năm tiêu chuẩn về thực phẩm Halal đã là nguyên tắc hướng dẫn trong quy trình chứng nhận Halal tại Malaysia và các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn này. Với sự thay đổi không ngừng trong đời sống – xã hội, các tiêu chuẩn cần được sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Tiêu chuẩn Halal Malaysia (MS) đã được lên kế hoạch sửa đổi để đảm bảo rằng phù hợp với các hệ sinh thái Halal luôn thay đổi.

Tiêu chuẩn Halal của Malaysia về thực phẩm – MS 1500:2019 Halal Food – Yêu cầu chung, đưa ra những điều cần thiết và tối thiểu yêu cầu đối với thực phẩm được coi là Halal. Các tiêu chuẩn cũng quy định quy trình, thủ tục và tình huống cần thiết để chứng nhận rằng người Hồi giáo có thể tiêu thụ thực phẩm. Đòi hỏi các tổ chức phải tuân thủ các yêu cầu quy định trong các tài liệu cho sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm Halal và sẽ được đánh giá bởi tổ chức đánh giá có năng lực.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí Chất lượng Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *