Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa vừa triển khai Kế hoạch Phòng, chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi (ASF) và thủy sản nuôi năm 2022. Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết:
Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa |
Kế hoạch đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật; xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát sinh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra đối với gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ổn định, bền vững và hiệu quả; đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí ngân sách triển khai thực hiện kế hoạch trên hơn 6,56 tỷ đồng, kinh phí người chăn nuôi thực hiện gần 2,4 tỷ đồng.
Ông có thể cho biết Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng cho các đối tượng nào?
Căn cứ tình hình dịch bệnh của năm 2021 và những năm trước đó, cơ quan chuyên môn xác định và lập danh sách các vùng nguy cơ dịch bệnh động vật năm 2022. Người chăn nuôi có thể liên hệ với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để biết khu vực chăn nuôi của mình có nằm trong vùng nguy cơ hay không. Nguyên tắc chung của hoạt động tiêm phòng một số dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn tỉnh đó là Nhà nước hỗ trợ chi phí tiêm phòng, bao gồm vắc xin và công tiêm cho các cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ tại vùng được xác định nguy cơ cao. Cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ là những cơ sở có đàn trâu bò dưới 10 con, đàn heo dưới 50 con, đàn gia cầm dưới 500 con. Đối với các cơ sở chăn nuôi còn lại tại vùng nguy cơ cao phải triển khai tiêm phòng đảm bảo đạt tỷ lệ trên 70% vật nuôi được tiêm. Thời gian tiêm phòng được tổ chức thành 2 đợt, đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5 và đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11.
Đối với bệnh LMLM trâu, bò, vùng nguy cơ cao thuộc 56 xã của các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và 3 xã của TP. Cam Ranh, số lượng thuộc diện này hơn 20.000 con. Với đàn heo, vùng nguy cơ cao dịch LMLM được xác định tại 36 xã thuộc 4 địa phương: Cam Lâm, Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Vĩnh, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiêm phòng cho đàn heo nái và đực giống dưới 50 con. Riêng với ASF, do chưa có vắc xin phòng bệnh nên cơ quan chuyên môn tập trung vào việc hướng dẫn các biện pháp tái đàn, chăn nuôi heo an toàn sinh học; giám sát, lấy mẫu và sẵn sàng các phương án ứng phó khi phát sinh ổ dịch, đảm bảo không để lây lan diện rộng. Đối với bệnh cúm gia cầm, tại vùng nguy cơ cao được xác định ở 71 xã thuộc các địa phương: Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Nha Trang với số gia cầm hỗ trợ tiêm phòng hơn 523.000 con.
Những năm gần đây, hoạt động giám sát và phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm nay, việc phòng, chống dịch bệnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa ông?
Cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người nuôi trồng thủy sản chủ động tổ chức lấy mẫu giám sát và kiểm soát có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên tôm, cá như: hoại tử, đốm trắng, vi bào tử trùng… và một số bệnh phổ biến (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng). Đối với nuôi trồng thủy sản nói chung, hoạt động giám sát chuyên môn, từ đó đưa ra các cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời cho hộ nuôi các biện pháp xử lý và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Trong đó, việc giám sát vùng sản xuất giống thủy sản và vùng nuôi trồng thủy sản bao gồm hoạt động thu mẫu định kỳ và xét nghiệm xác định nguy cơ dịch bệnh được thực hiện ở các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm và Cam Ranh.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Đăng (Thực hiện)
Nguồn: Báo Khánh Hòa