Kiên trì, chịu khó, nhạy bén với thời cuộc cộng thêm một chút liều, anh Bùi Văn Tuân, thôn Lương Đống, xã Hà Giang đã trở thành ông chủ của trang trại bò thương phẩm lớn của huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình).
Nói anh Tuân liều là bởi vì nhiều người bỏ ruộng đi làm nghề khác để có thu nhập cao hơn còn anh lại bỏ làm vận tải du lịch trở về quê đầu tư trên 5 tỷ đồng tích tụ ruộng đất làm trang trại nuôi bò thương phẩm. Hành trình làm nông nghiệp của anh luôn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, của những hộ có ruộng không muốn cấy. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã tích tụ được gần 6 mẫu đất, trong đó trên 1.300 m2 anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thương phẩm, diện tích còn lại anh trồng cỏ voi làm thức ăn nuôi bò. Tháng 6/2020, chuồng trại hoàn tất, anh mua 13 con bò sinh sản và bò đực là các giống chất lượng cao như: bò Úc, bò 3B, bò lai Sind, bò Brahman về nuôi. Tất cả bê con sinh ra khỏe mạnh anh đều để lại nuôi, đồng thời tìm mua thêm hàng chục con bò của những nơi cung cấp giống có uy tín đưa về trang trại. Đến nay, trang trại của anh đã có trên 70 con bò và bê.
Trang trại của anh Bùi Văn Tuân (người bên phải), xã Hà Giang chủ yếu nuôi các giống bò chất lượng cao.
Anh Tuân cho biết: Qua tìm hiểu tôi thấy tỉnh đang triển khai đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người nuôi. Bò dễ nuôi, ít bệnh, thị trường tiêu thụ thịt bò lớn. Tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, tôi đã quyết định dừng làm vận tải du lịch về quê xây dựng trang trại nuôi bò thương phẩm. Trang trại được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ một số bò trưởng thành theo mô hình thí điểm vỗ béo bò thịt và men vi sinh. Tôi sử dụng đệm lót sinh học để xử lý phân bò. Với các vi khuẩn có lợi từ đệm lót sinh học sẽ giúp ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm phần chân, bụng cho bò giúp bò tiêu hóa tốt hơn, giảm hẳn tình trạng chướng bụng, bệnh lở mồm long móng, hạn chế việc sử dụng thuốc thú y, bê con mới sinh cũng không bị ngã do trơn trượt, chuồng trại sạch sẽ, không có mùi hôi.
Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, ngoài việc tự trồng cỏ voi, đến mùa thu hoạch lúa anh Tuân xin rơm của bà con và dùng máy cuốn rơm nén lại làm thức ăn dự trữ cho bò vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Rơm nén bảo quản tốt có thể dùng làm thức ăn cho bò trong 2 năm. Mỗi ngày anh cho bò ăn 3 bữa: sáng ăn cỏ voi, trưa ăn bã đậu tương, đêm ăn rơm. Công thức ăn này sẽ bổ sung lượng dầu, tinh bột giúp đàn bò có đủ chất dinh dưỡng, phát triển tốt, ít bị bệnh. Việc quản lý trang trại của anh rất nhàn và hiệu quả vì có sự trợ giúp của hệ thống camera an ninh gắn quanh trang trại. Chỉ cần ngồi ở nhà anh có thể quan sát toàn bộ trang trại, biết tình trạng của đàn bò, việc chăm sóc, cho bò ăn của lao động. Trang trại của anh Tuân hiện giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Văn Vương, xã Hà Giang cho biết: Tôi làm tại trang trại của anh Tuân từ đầu năm đến nay, công việc chính là cắt cỏ, thái cỏ và cho bò ăn. Công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định. Trang trại được vệ sinh thường xuyên, sử dụng đệm lót sinh học nên sạch sẽ, không có mùi. Tôi làm việc cũng thấy yên tâm.
Cỏ voi sau khi thu hoạch sẽ được băm bằng máy để cho bò ăn.
Hiện anh Tuân đang chọn lọc những con bò có thể trạng tốt nhất để nhân giống. Anh đã tích tụ đất, đang xây dựng thêm 2 trang trại ở một số xã lân cận nuôi bò thương phẩm, phấn đấu sau 4 năm phát triển sẽ đạt tổng đàn 4.000 con. Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, trang trại chưa tạo nguồn thu nhưng anh Tuân luôn tin tưởng hướng đi của mình là đúng, trang trại sẽ phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao.
Thu Hiền
Nguồn: Báo Thái Bình