Thừa Thiên – Huế: Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững

Ông Hoàng Vân, chủ trang trại (TT) lợn nái Hoàng Vân tại xã Lộc Hòa (Phú Lộc) cho rằng, tiềm năng, lợi thế chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh rất lớn. Trong phát triển sản xuất cần hướng đến mô hình TT, quy mô lớn gắn với các biện pháp an toàn dịch bệnh. Trong đó, nguồn giống chất lượng, an toàn được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thành công trong quá trình nuôi. Tại TT Hoàng Vân, bình quân mỗi năm nuôi 2.400 lợn nái, cung ứng một lượng lớn con giống cho các TT, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

chăn nuôi huế

Mô hình nuôi lợn kết hợp gia cầm an toàn ở Quảng Lợi (Quảng Điền)

Một trong những TT chăn nuôi lợn thịt có quy mô lớn là TT chăn nuôi lợn Hoàng Bằng ở xã Phong An (Phong Điền) có quy mô bình quân 40 ngàn con/năm. Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đàn lợn vẫn đảm bảo an toàn. Theo chủ TT này, để đảm bảo an toàn vật nuôi trước hết phải đảm bảo sản xuất theo hướng tập trung, cách ly khu dân cư, các điều kiện đảm bảo về môi trường và áp dụng công nghệ cao. Chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn như tiêm vắc-xin, tiêu độc khử trùng…

Nhiều TT chăn nuôi lợn ở vùng cát Quảng Điền đảm bảo an toàn, duy trì quy mô đàn. Tại các khu TT thuộc các xã Quảng Vinh, Quảng Lợi có một số TT chăn nuôi lợn thịt ứng dụng công nghệ bán tự động, quy mô công nghiệp khoảng 10 ngàn con/lứa, 20 ngàn con/năm. Hầu hết các TT này đều đáp ứng tiêu chí về TT theo quy định của Bộ NN&PTNT, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tái cơ cấu cấu ngành chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó có 70 TT chăn nuôi lợn, gia cầm đạt tiêu chí với doanh thu mỗi TT từ 1 tỷ đồng trở lên. Phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai, lợn nạc và nâng cao năng lực sản xuất con giống. Đến nay, tỷ lệ bò lai và lợn nạc so với tổng đàn tiếp tục tăng, với đàn bò lai chiếm 70% tổng đàn, lợn nạc chiếm trên 94% tổng đàn. Trên địa bàn tỉnh có các cơ sở sản xuất giống lợn tại chỗ, giải quyết nhu cầu con giống phục vụ sản xuất, hạn chế dịch bệnh. Tổng đàn lợn nái hiện có khoảng 17 ngàn con, các cơ sở ấp nở gia cầm cung cấp thị trường khoảng 600 ngàn con/năm.

chăn nuôi heo

Trang trại lợn an toàn ở rú cát Quảng Điền

Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường đang được ngành nông nghiệp cùng với các địa phương hướng đến trong tiến trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Chăn nuôi TT đang được khuyến khích phát triển nhằm tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn, gà liên kết với các công ty như Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Mavin theo hình thức các công ty này đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua tiêu thụ sản phẩm, từ đó ổn định đầu ra. Trọng lượng thịt hơi xuất chuồng cao hơn so với chăn nuôi nông hộ. Dù thời gian qua giá thịt lợn hơi không ổn định, trong khi đa số người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ bị thua lỗ thì các TT nuôi liên kết tương đối ổn định về quy mô đàn và có lãi.

Hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trong những năm qua đã được quy hoạch và đầu tư khá hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng mới 9 cơ sở giết mổ tập trung, nâng tổng cơ sở giết mổ tập trung lên 32 cơ sở theo quy hoạch. Tỉnh kêu gọi đầu tư, hỗ trợ xây dựng 1 lò mổ phía bắc với công suất 2.500 con lợn, 150 trâu, bò, 5.000 gia cầm/ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Hưng khẳng định, ngành thú y thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tiêm phòng đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi hàng năm đều đạt trên 80% tổng đàn, đáp ứng yêu cầu miễn dịch. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác, ngành thú y chủ động phối hợp với chính quyền, ban ngành thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Dù ảnh hưởng lớn bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng từ năm 2017 đến nay, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh có bước phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng đàn so với trước khi thực hiện cơ cấu lại (năm 2015). Đến nay, tổng đàn trâu, bò tăng khoảng 12%, tổng đàn gia cầm tăng 89%, tỷ lệ lợn nạc tăng 64,27% và lợn nuôi tập trung, TT tăng 150% so với năm 2015.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *