Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại theo mô hình hữu cơ, an toàn sinh học (ATSH) được xem là bước đi hiệu quả trong việc phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo thị trường đầu ra và nâng cao thu nhập cho người nông dân hiện nay.
Phát triển chăn nuôi ở huyện miền núi A Lưới đã thay đổi, không chỉ từ tư duy người nông dân mà còn hiệu quả kinh tế mang lại. Đó là chăn nuôi theo mô hình nuôi lợn hữu cơ, ATSH. Từ những mô hình đầu tiên, huyện A Lưới tiếp tục liên kết với các đơn vị phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, ATSH tạo chuỗi liên kết cho sản phẩm đảm bảo đầu ra cho người dân.
Gia đình bà Trần Thị Huệ (Bình Sơn, A Ngo) cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trước đây đã đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, do kết cấu chuồng trại chỉ mang tính tự phát dẫn đến thường xuyên xảy ra dịch bệnh, gây thua lỗ. Những vụ nuôi được mùa thì chịu biến động bởi giá cả.
Đầu năm 2021, UBND huyện A Lưới lựa chọn làm mô hình điểm liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, đầu tư cho các hộ dân 200 lợn giống và 10 lợn nái cùng với việc hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ, ATSH. Đơn vị này cũng cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân nên không còn phải lo vấn đề giá cả thị trường bấp bênh.
Phát triển đàn gia cầm theo mô hình nuôi tập trung, sản lượng lớn
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) – Sở NN&PTNT, chăn nuôi trên địa tỉnh đang từng bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại; chất lượng con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng ngày được nâng cao; phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, ATSH, an toàn dịch bệnh; từng bước tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Đến nay, toàn tỉnh có 385 trang trại chăn nuôi (TTCN), trong đó 10 TTCN lợn quy mô lớn, 60 trang trại quy mô vừa và 315 trang trại quy mô nhỏ. Có trên 50 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với khoảng 2.000 con lợn và 1 TTCN lợn hữu cơ với quy mô 500 con/lứa. Ngoài ra, có 5 cơ sở chăn nuôi tại thị xã Hương Thủy được cấp Giấy chứng nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP).
10 TTCN lợn quy mô lớn do DN đầu tư này được sản xuất theo quy mô công nghiệp với trại lợn nái ngoại bố mẹ có quy mô 2.400 con, góp phần cung ứng giống, an toàn dịch bệnh; các trại lợn thịt có quy mô từ 1.000 – 8.000 con và các trại gà thịt có quy mô từ 7.000 – 14.000 con hợp tác, liên kết với các công ty như CP Việt Nam, Mavin, GreenFeed. Chất lượng con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đang ngày được nâng cao nhằm tạo ra sản phẩm chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.
Tại khu trang trại thuộc các xã Quảng Vinh và Quảng Lợi (Quảng Điền) có các TTCN lợn và gà quy mô công nghiệp có áp dụng công nghệ bán tự động (đạt một số tiêu chí trong danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp của Bộ NN&PTNT) có triển vọng đạt tiêu chí theo Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Chi cục CN&TY, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh trên gia súc đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương, Sở NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và cơ bản đã khống chế không để lây lan.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh, Sở NN&PTNT đã có những chính sách khuyến khích các DN, hộ chăn nuôi có điều kiện đảm bảo ATSH tiếp tục tăng đàn. Hỗ trợ tư vấn xúc tiến đầu tư các dự án TTCN gia súc theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai và tỷ lệ lợn nạc, nâng cao năng lực sản xuất con giống và nhân rộng chăn nuôi trang trại, chăn nuôi hữu cơ, liên kết trong chăn nuôi.
>> Theo Chi cục CN&TY tỉnh, hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 240.385 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 16.196 tấn, tăng 35,6%; sản lượng trứng gia cầm đạt 14,2 triệu quả, tăng 0,2%.
Bài, ảnh: Nguyễn khánh
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế