Từ đầu năm đến nay, mặc dù các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở các tỉnh diễn biến phức tạp, song ở Thừa Thiên Huế, các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) cơ bản được khống chế, không xảy ra. Trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tình trạng xuất, nhập gia cầm lậu.
Đánh giá của ngành chăn nuôi và thú y (CNTY) cho thấy, phần lớn các hộ chăn nuôi, nhất là gia trại, trang trại gần như chủ động hoàn toàn trong phòng, chống dịch bệnh GSGC. Hộ chăn nuôi làm tốt khâu phòng, ngừa dịch bệnh bằng nhiều biện pháp, như tiêm đầy đủ vắc-xin, tiêu độc khử trùng, nhiều hộ còn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi GSGC. Các biện pháp ứng phó với thời tiết xấu, nắng nóng, mưa lạnh được người dân chủ động hoàn toàn… Đây có thể là những biện pháp phòng, ngừa hiệu quả nên dịch bệnh trên GSGC thời gian qua được khống chế thành công.
Một gia trại vịt an toàn
Ông Nguyễn Thuận, chủ trang trại GSGC ở vùng rú cát xã Quảng Vinh (Quảng Điền) chia sẻ, hơn ai hết, các chủ hộ chăn nuôi phải chủ động triển khai các biện pháp phòng, ngừa các loại dịch bệnh. Các biện pháp cơ bản và bắt buộc là phải tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, theo định kỳ cho đàn GSGC. Khâu vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, kết hợp tiêu độc, khử trùng, hạn chế người ra vào chuồng trại được ông Thuận thực hiện một cách nghiêm túc.
Thời gian qua, ngành CNTY tỉnh triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực trong phòng, ngừa dịch bệnh trên GSGC. Công tác kiểm dịch được thực hiện đúng quy trình, kiểm dịch tận gốc, luôn thực hiện việc thông tin hai chiều cả nơi xuất và nơi nhập. Tính riêng đầu năm đến nay, ngành thú y tổ chức kiểm dịch xuất 845 lượt GSGC, gần 19 ngàn con lợn giống, gần một triệu con gia cầm giống, 500 con bò thịt, 25 ngàn con lợn thịt, 12,250 ngàn con gia cầm thịt và hơn 602 tấn phụ phẩm động vật.
TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CNTY tỉnh thông tin, để chủ động phòng, chống dịch bệnh GSGC, chi cục đã xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó, phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ các trạm CNTY huyện, thị xã triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng dich bệnh một cách đồng bộ; kết hợp tổ chức các đợt kiểm tra tiêm phòng đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng.
Chi cục CNTY phối hợp với các cấp, ban ngành triển khai thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận thôn, hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để lây lan thành dịch. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh GSGC theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, tập trung thực hiện tại các ổ dịch cũ, hố chôn GSGC; nâng cao năng lực các tổ tiêu độc kết hợp trang bị các dụng cụ máy bơm, bình bơm, cấp 2.000 lít hóa chất để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ, đột xuất tại các nơi nguy cơ cao.
Hệ thống thú y cơ sở được củng cố, kiện toàn với 162 tổ tiêu độc, hơn 320 máy bơm, bình bơm các loại để triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường. Ngành CNTY triển khai tuyên truyền xã hội hóa việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng sâu rộng đến tận người dân nhằm bảo vệ đàn GSGC của mình trước nguy cơ dịch bệnh.
TS. Nguyễn Văn Hưng đánh giá, chất lượng chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật không ngừng được nâng cao. Tính riêng đầu năm đến nay đã thực hiện khoảng 4.000 lượt điều trị, phẫu thuật 100 ca và mổ khám gia cầm 30 ca. Cán bộ thú y lấy 60 mẫu giám sát cúm heo (60/60 mẫu âm tính), 8 mẫu kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y.
Trên địa bàn tỉnh hình thành và phát triển một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ có sử dụng đệm lót sinh học và chế phẩm sinh học với 401 trang trại chăn nuôi. Có khoảng 28 cơ sở liên doanh, liên kết trong chăn nuôi sử dụng công nghệ cao với các doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh.
Ngành CNTY thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Mới đây, các lực lượng xử lý hai trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTY với số tiền 10 triệu đồng. Các chốt bắc, nam được tổ chức, tăng cường chốt chặn 24/24 giờ và đã kiểm dịch, tiêu độc khử trùng 6.377 lượt phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ngang qua địa bàn tỉnh và nhập vào địa bàn tỉnh để giết mổ, tiêu thụ.
Bài, ảnh: Hoàng Thế
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế