Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.
Hút khách
Nhằm tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt bò A Lưới, tạo động lực thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn, năm 2023, UBND huyện A Lưới đã công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” được bảo hộ Quốc gia, do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) chứng nhận. Việc công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh, người chăn nuôi… nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Vào chợ thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) hiện nay, người dân, du khách dễ dàng bắt gặp quầy bán thịt bò vàng của bà Phan Thị Tư. Đây là địa điểm thu hút nhiều khách hàng địa phương, cũng như du khách tìm mua khi đến thị trấn vùng cao này.
Quầy hàng bán thịt bò vàng A Lưới thu hút nhiều khách hàng địa phương cũng như du khách
Bà Phan Thị Tư chia sẻ: Thịt bò A Lưới vốn nổi tiếng thơm ngon, chất lượng, nhưng chưa tìm được một “chỗ đứng” để giúp người kinh doanh buôn bán thịt yên tâm khi đưa sản phẩm ra thị trường. Theo nghề kinh doanh thịt bò ở A Lưới đã lâu, giờ đây nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình bà mới có một quầy bán thịt bò vàng tươm tất ở chợ thị trấn và tham gia sử dụng thương hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”. Năm 2022, quầy hàng thịt bò vàng của bà Tư được Sở KHCN, HND huyện A Lưới hỗ trợ lắp đặt pano thương hiệu, bao bì, nhãn mác, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi đến quầy mua sản phẩm.
Theo HND huyện A Lưới, việc thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác cho nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm bản địa mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường. Đồng thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân trên địa bàn huyện trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần phát triển kinh tế cho người dân và phát huy các giá trị kinh tế, văn hóa của “Thịt bò vàng A Lưới”.
HND huyện còn hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có mô hình chăn nuôi bò trên địa bàn. Nhờ thế, đến nay đã có 109 hộ SXKD sản phẩm từ thịt bò vàng A Lưới và chăn nuôi bò được HND cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Phát triển nhãn hiệu
Ông Hồ Văn Liên, Phó Chủ tịch HND huyện A Lưới thông tin, để tiếp tục tăng số lượng và chất lượng đàn bò, giúp người dân phát triển kinh tế từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả, đồng thời tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt bò vàng, huyện A Lưới đã xây dựng được bản đồ vùng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”; thiết kế được logo, tem, nhãn, bao bì mang nhãn hiệu tập thể; xây dựng được quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, quy chế sử dụng tem, bao bì; hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận; xúc tiến và phát triển thương hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.
HND huyện đã phối hợp với Sở KHCN xây dựng các văn bản liên quan, tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn cho một số hội viên có nuôi bò và cán bộ hội cơ sở. HND huyện còn trực tiếp triển khai đến các đơn vị cơ sở hội về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai đến các chi, tổ hội và tận hộ hội viên nông dân trên địa bàn để nhân rộng mô hình trên toàn huyện.
Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả việc quản lý và phát triển thương hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”, HND huyện cũng đã phối hợp Ban Kinh tế HND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp và lớp nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất theo chuỗi giá trị…
HND huyện còn phối hợp với Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ nguồn vốn cho cán bộ, hội viên trên địa bàn 5 dự án/5 đơn vị cơ sở hội, với tổng số vốn 1,7 tỷ đồng/55 hội viên nông dân được vay. Đến nay, HND huyện đã xây dựng được 7 tiểu dự án với 24 hội viên được vay, trong đó có 6 tiểu dự án là chăn nuôi bò sinh sản.
Theo ông Hồ Văn Liên, thời gian tới HND huyện sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phát triển nhãn hiệu tập thể và hướng dẫn các thành viên thực hiện các văn bản về quản lý, sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”. Tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm về sử dụng nhãn hiệu tập thể, tem, nhãn và bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu này trong phạm vi và quyền hạn của mình… nhằm từng bước đưa sản phẩm “Thịt bò vàng A Lưới” ra các thị trường xa hơn.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế