Trong khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp ở Hòa Vang (Đà Nẵng) – địa phương giáp ranh địa bàn tỉnh, thì hoạt động vận chuyển lợn đi qua địa bàn đôi lúc vẫn còn thiếu sự giám sát, khiến nguy cơ dịch lây lan, tái bùng phát rất cao.
Thiếu kiểm soát
Thông tin từ Cục Thú y, từ đầu năm 2024 đến nay, DTLCP đã xuất hiện tại 753 xã thuộc 46 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 58 ngàn con lợn. Đến ngày 12/8, cả nước còn 29 tỉnh đang có DTLCP chưa qua 21 ngày.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến thời điểm này, DTLCP đang được kiểm soát, chưa xảy ra. Tuy nhiên, ngành thú y cảnh báo nguy cơ tái bùng phát DTLCP trên địa bàn tỉnh rất cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, Hòa Vang là địa phương giáp ranh với huyện Phú Lộc nên có nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn tỉnh nếu không có sự kiểm soát, ứng phó một cách hiệu quả.
Chốt kiểm dịch phía nam được tăng cường hơn
Chốt kiểm dịch, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm (GSGC) ra vào địa bàn tỉnh có nhiệm vụ quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các địa phương. Từ khi DTLCP xảy ra tại nhiều tỉnh, thành, nhất là mới đây tại Hòa Vang, lực lượng thú y tại đây gần như trực chốt phía nam cả ngày lẫn đêm. Nhiều phương tiện vận chuyển lợn trước khi đi qua địa bàn tỉnh được tiêu độc, khử trùng, kiểm tra các thủ tục kiểm dịch.
Theo một cán bộ thú y, hầu hết các phương tiện vận chuyển lợn từ các tỉnh khác đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ đều chủ động dừng tại chốt để được kiểm tra thủ tục kiểm dịch và tiêu độc, khử trùng. Thỉnh thoảng phát hiện một số phương tiện cố tình “thông chốt” bị cán bộ thú y ở đây báo với cảnh sát giao thông ngăn chặn và xử lý theo quy định. Đây là điều đáng mừng đối với lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn, phòng, chống dịch bệnh nói chung, DTLCP nói riêng.
Tuy nhiên, theo cán bộ thú y này thì hiện nay, hoạt động vận chuyển lợn đi qua địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, song còn thiếu sự kiểm soát khiến nguy cơ dịch lây nhiễm rất cao. Vị cán bộ này giải thích, theo quy định chỉ các phương tiện vận chuyển lợn, GSGC vào địa bàn tỉnh tiêu thụ thì mới dừng lại tại chốt kiểm dịch bắc, nam để được kiểm tra, tiêu độc, khử trùng. Với những phương tiện vận chuyển GSGC chỉ đi qua địa bàn tỉnh mà không đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ thì sẽ không dừng lại tại các chốt để trình báo thủ tục liên quan và được tiêu độc, khử trùng. Đây là quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với hoạt động vận chuyển GSGC, nhưng lại gây khó khăn trong công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, hoạt động chốt chặn, tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển GSGC đi qua địa bàn tỉnh là việc làm thường xuyên của ngành thú y. Tuy nhiên, khi có dịch xảy ra tại các tỉnh, thành, nhất là mới đây DTLCP xảy ra tại Hòa Vang thì hoạt động trực chốt được tăng cường hơn. Những ngày này, tại chốt kiểm dịch phía nam được tăng cường lực lượng thú y túc trực cả ngày lẫn đên, phối hợp với công an, quản lý thị trường tổ chức giám sát hoạt động vận chuyển GSGC đi qua địa bàn và vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.
Nhiều nguyên nhân tái bùng phát dịch
Dự báo DTLCP trong thời gian đến tiếp tục gia tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành và nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát trên địa bàn tỉnh rất cao. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng, sức khỏe người dân và môi trường. Nhiều nguyên nhân lây nhiễm, tái bùng phát DTLCP trên địa bàn tỉnh, trong đó ngành thú y cảnh báo, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, song hầu hết đều không đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh khiến nguy cơ tái bùng phát dịch.
Trong khi các trang trại, gia trại chăn nuôi GSGC cơ bản chấp hành tốt các khâu kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như chưa chấp hành tốt các yêu cầu chăn nuôi an toàn. Họ cũng ít quan tâm đến việc tiêm vắc-xin cho vật nuôi và tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng lén lút giết mổ lợn, GSGC cũng như hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn, thịt lợn diễn ra khá phức tạp, thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp trong giai đoạn chuyển mùa ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh tái bùng phát.
Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, trước nguy cơ DTLCP lây nhiễm, tái bùng phát rất cao, ngành chăn nuôi và thú y đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó một cách đồng bộ. Trước hết, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; không giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lực lượng cán bộ thú y cơ sở phối hợp với các địa phương, các thôn về đến tận khu dân cư để kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Trong đó, chú trọng tiêm vắc-xin đầy đủ, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, chuồng trại nhằm hạn chế nguy cơ DTLCP lây nhiễm, tái bùng phát trên địa bàn.
Ngành thú y cũng tăng cường phối hợp với lực lượng liên ngành tại các chốt kiểm dịch, cơ sở giết mổ nắm thông tin dịch bệnh từ các tỉnh (đặc biệt là các tỉnh có DTLCP chưa qua 21 ngày) để có biện pháp ứng phó dịch bệnh kịp thời, không để bùng phát, lây lan thành dịch. Khi xảy ra dịch bệnh, ngành thú y và các địa phương huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Bài, ảnh: Hoàng Thế
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế