Ngành chăn nuôi 2024: Tăng trưởng chậm nhưng không lỡ nhịp

(Người Chăn Nuôi) – Rabobank cho biết trong báo cáo triển vọng ngành chăn nuôi toàn cầu 2024, sản xuất protein động vật tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, nhưng tốc độ chậm hơn do biên lợi nhuận vẫn eo hẹp.

Các công ty chăn nuôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và đáp ứng mong đợi của khách hàng trong bối cảnh thị trường đầy thách thức. Đây là minh chứng cho thấy khả năng phục hồi và linh hoạt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Mặc dù người tiêu dùng toàn cầu vẫn đang chịu áp lực tài chính và thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ protein động vật vẫn duy trì ổn định. Nhờ đó, các công ty chăn nuôi nỗ lực vượt thách thức chi phí tăng cao, hàng rào quy định và dịch bệnh để nắm bắt cơ hội thị trường.

Theo Rabobank, một số điều kiện thị trường sẽ cải thiện theo chiều hướng tích cực trong năm 2024. Ví dụ, chi phí đầu vào sẽ giảm bớt, và người tiêu dùng cũng dần thích ứng với những bất ổn xung quanh. Tuy nhiên, nhiều thay đổi vẫn diễn ra và mang tính cơ cấu, chứ không theo chu kỳ, mang lại cả cơ hội và rủi ro cho ngành chăn nuôi toàn cầu vào năm tới.  

Ngành chăn nuôi 2024

Thích ứng với thay đổi cơ cấu  

Theo Justin Sherrard, nhà chiến lược toàn cầu, ngành hàng protein động vật, Rabobank, để tiếp tục duy trì thành công đã tạo dựng được trong những năm qua, các công ty chăn nuôi phải thích ứng với những thay đổi cơ cấu thị trường. Thay vì đơn giản vượt qua một cơn bão, các doanh nghiệp này cần tận dụng thế mạnh của mình và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chuyển đổi chuỗi cung ứng sang một môi trường chi phí cao và lợi nhuận eo hẹp.

Ông nói thêm, các công ty chăn nuôi nên tăng cường gấp đôi khả năng cải thiện năng suất, rà soát danh mục đầu tư hiện có, đẩy mạnh quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng và chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm mới, đồng thời điều chỉnh chiến lược giá cả để vượt qua những thách thức trong năm tới.

Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi toàn cầu đang chậm lại, nhưng vẫn mạnh mẽ ở Brazil. Theo Rabobank, ngành chăn nuôi của Trung Quốc và khu vực châu Đại Dương tăng trưởng nhẹ nhưng Đông Nam Á sẽ sôi động hơn. Trong khi sản lượng thịt heo, thịt bò giảm thì ngành sản xuất gia cầm lại ghi nhận tăng trưởng vượt bậc.  

sản xuất thịt và thức ăn chăn nuôi toàn cầu

Mức tiêu thụ chậm tại Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên hệ thống sản xuất chăn nuôi toàn cầu năm 2024, đặc biệt là thị trường thịt heo và thịt bò. Tuy nhiên, ngành hàng gia cầm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định về sản xuất và tiêu thụ. Tại Đông Nam Á, nền kinh tế phục hồi và áp lực dịch bệnh giảm sẽ hỗ trợ tăng trưởng sản xuất chăn nuôi. Hiện ngành thịt heo đang dẫn đầu tăng trưởng, tiếp theo là ngành gia cầm. Ngành thịt bò sẽ duy trì ổn định so với năm 2023.

Gia cầm vượt heo  

Theo Rabobank, ngành gia cầm toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nhu cầu tiêu thụ và chi phí sản xuất vẫn đang được cải thiện tích cực. Nhờ đó, toàn ngành sẽ đón nhận tăng trưởng trong những tháng tới. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng còn phụ thuộc vào cân bằng nguồn cung ở từng thị trường. Giá thức ăn chăn nuôi thấp hơn sẽ giúp các sản phẩm thịt gia cầm trở thành thực phẩm hợp túi tiền, và giúp các ngành công nghiệp phụ trợ phục hồi.

Nan-Dirk Mulder, chuyên gia phân tích cấp cao ngành hàng chăn nuôi tại Rabobank cho biết, giá cả chi phối người tiêu dùng và họ có xu hướng chuyển từ các loại thịt đắt tiền, cao cấp sang thịt gà tiêu chuẩn và thực phẩm rẻ hơn, từ đó tác động đến nhu cầu và thương mại gia cầm. Tuy nhiên, tình trạng dư nguồn cung thịt vẫn xảy ra ở một số nước, như Thái Lan, khiến thương mại suy yếu.

Trái với gia cầm, tiêu thụ yếu và tốc độ tăng trưởng sản xuất khiêm tốn sẽ cản trở thương mại thịt heo toàn cầu, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đang được cải thiện. Theo Christine McCracken, chuyên gia phân tích cấp cao tại Rabobank, bất chấp những thách thức gây trở ngại đến gia tăng năng suất trong năm 2022/23, một số khu vực sản xuất thịt heo vẫn ghi nhận tăng trưởng. Áp lực dịch bệnh của ngành heo vẫn còn tồn tại, tuy nhiên sức khỏe tổng thể của đàn gia súc đã chuyển biến tích cực hơn.

Nhờ cắt giảm chi phí để ứng phó với lạm phát, nhiều trại nuôi heo đã từ bỏ phương pháp sản xuất kém năng suất và tìm đến giải pháp thúc đẩy sản lượng đầu ra, ví dụ, tăng năng suất heo nái. Tuy nhiên, xu hướng này kéo theo rủi ro dư cung trong khu vực và gây áp lực lên thị trường thịt heo.

Sản xuất thịt bò chững lại  

Theo báo cáo Quý 4 về Sản xuất thịt bò toàn cầu của Rabobank, người tiêu dùng sẽ mua thịt bò ít hơn vào năm 2024 do nền kinh tế phục hồi chậm. Điều này buộc các hãng sản xuất thịt bò phải tìm giải pháp thích ứng với thị trường và điều chỉnh giá bán mới đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. 

Angus Gidley-Baird, Chuyên gia phân tích ngành hàng protein động vật tại Rabobank dự báo, sản lượng thịt bò toàn cầu năm 2024 sẽ không thay đổi lớn so với năm 2023. Trong đó, tổng sản lượng của các nước sản xuất lớn sẽ tương đương năm 2023. Tuy nhiên, sản xuất thịt bò tăng ở Australia, Brazil và Mexico sẽ bù đắp lượng sụt giảm ở Canada và Mỹ.

Nhìn chung, tiêu thụ thịt bò toàn cầu dự kiến giảm 1%, tập trung ở các nước Canada và Mỹ. Xu hướng cho thấy nhiều nước phương Tây đã cắt giảm thịt đỏ. Lượng thịt bò tiêu thụ tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil vẫn tăng dù không mạnh. Nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc cũng dự kiến tăng trên 5% vào năm 2024 do nhu cầu phục hồi tại các kênh dịch vụ ẩm thực.  

Tuấn Minh (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *