Bén duyên với nghề nuôi rắn từ năm 2011, đến nay, anh Nguyễn Hữu Diên ở thôn Bích Trung Nam, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị có đàn rắn ráo trâu, rắn ráo thường, rắn sọc dưa với số lượng hơn 1.000 con. Mô hình nuôi rắn mang lại cho anh nguồn thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi năm.
Anh Diên cho biết, nuôi rắn ít rủi ro, giá bán và đầu ra ổn định hơn so với một số loại gia súc, gia cầm khác. Sau khi tìm tòi học hỏi, trang bị kiến thức, năm 2011, anh bắt vào thả nuôi thử nghiệm một số ít rắn ráo trâu. Sau gần 1 năm nuôi, nhận thấy sự phù hợp, anh quyết định đầu tư xây dựng khu chuồng trại nuôi rắn rộng 250 m2 để thả nuôi rắn ráo trâu, rắn ráo thường, rắn sọc dưa thương phẩm và sinh sản.
Anh Diên chăm sóc đàn rắn thương phẩm của mình – Ảnh: L.A
Đây đều là những loài rắn không có nọc độc và có giá trị kinh tế tương đối cao. Cụ thể, rắn thương phẩm có giá từ 700.000 – 800.000 đồng/kg; rắn giống từ 270.000 – 300.000 đồng/con (tùy kích cỡ); trứng rắn từ 120.000 – 125.000 đồng/quả.
Chịu khó lao động lại biết tính toán nên đàn rắn của anh lúc cao nhất lên đến trên 1.000 con, trong đó có 300 con rắn bố mẹ. Mỗi năm anh bán ra thị trường từ 0,5 – 1 tấn rắn thương phẩm, trừ chi phí lãi từ 200 – 300 triệu đồng.
Chia sẻ bí quyết, anh Diên cho biết, các loài rắn này dễ nuôi, chi phí thấp, tăng trọng nhanh, sinh sản tốt. Khu nuôi rắn phải xây biệt lập và chia ra thành các khu riêng biệt gồm khu dành cho rắn sinh sản, khu nuôi rắn con và khu nuôi rắn thương phẩm. Chuồng nuôi được xây gạch kiên cố, tránh rắn thoát ra ngoài và phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trong chuồng nuôi được xếp gỗ tạo thành hang hốc cho rắn trú ngụ.
Việc chăm sóc cũng khá đơn giản, trung bình cho ăn 1 ngày/lần với rắn con dưới 1 tháng tuổi và 2 ngày cho ăn 1 lần đối với rắn nuôi thương phẩm và rắn bố mẹ. Ngoài ra, định kỳ 5 – 7 ngày/lần trộn men tiêu hóa để phòng bệnh tiêu chảy, 25 – 30 ngày/lần dọn sạch lớp đất dưới nền chuồng và thay thế bằng đất mới để phòng các bệnh ngoài da cho rắn.
Một điểm đặc biệt của anh Diên đó là thay vì sử dụng thức ăn là cóc, ếch, nhái còn sống, anh đã tập luyện được cho đàn rắn sử dụng thức ăn là gà, vịt thải loại đông lạnh. Theo anh Diên, với tập tính săn mồi nên rắn chỉ đớp mồi khi con mồi di chuyển. Nhưng ở nhiều thời điểm trong năm, nguồn thức ăn như cóc, ếch, nhái còn sống rất khan hiếm, nếu nuôi theo cách truyền thống, rất khó mở rộng quy mô.
Do vậy, anh quyết định tập luyện cho rắn ăn mồi chết ngay từ nhỏ. Theo đó, sau khi ấp nở được khoảng 5 – 7 ngày, rắn con được anh cho ăn bằng ếch, nhái cắt nhỏ. Được khoảng một tuần anh bắt đầu trộn thêm gà, vịt con cắt nhỏ theo tỉ lệ tăng dần để rắn thích nghi với loại thức ăn mới. “Sau khoảng một tháng thì rắn sẽ quen với thức ăn là gà, vịt con thải loại được tôi mua về làm sạch, dự trữ đông lạnh.
Trước khi cho ăn chỉ cần rã đông, cắt nhỏ theo kích cỡ của rắn là được. Nếu cho ăn đầy đủ, rắn thương phẩm sau 8 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng từ 1,8 – 2 kg/con. Đối với rắn bố mẹ trung bình một năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 15 – 18 trứng. Trứng được đánh số, ghi ngày tháng cụ thể và đưa vào ấp sau 2,5 tháng là nở. Tỉ lệ ấp nở và nuôi thành công đạt từ 80%- 90%”, anh Diên cho hay.
Theo anh Diên, trước đây, thị trường tiêu thụ rắn khá lớn, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, trong các năm từ 2020 – 2022 thị trường hầu như ngưng trệ, giá rắn thương phẩm giảm xuống còn chưa đầy 350.000/kg.
Trong khi nhiều người phải bỏ chuồng thì mô hình của anh vẫn cầm cự được. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá rắn bắt đầu tăng trở lại nên anh đang dự kiến sẽ vay vốn ngân hàng để tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng nuôi thêm 200 – 300 m2 và tăng số lượng nuôi lên gấp đôi để tận dụng thời gian, sức lao động, nâng cao thu nhập.
Lê An
Nguồn: Báo Quảng Trị