Biết cách tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai và mạnh dạn áp dụng KHKT vào chăn nuôi, anh Nguyễn Thành Nam (1990, ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đã có nguồn thu nhập khá từ mô hình chăn nuôi gà thả đồi.
Chọn nuôi gà để phát triển kinh tế, nhưng việc chăn nuôi của gia đình anh Nam chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Đến năm 2022, anh Nam đã đăng ký tham gia lớp học nghề nuôi, phòng trị bệnh cho gà do xã Tây Giang tổ chức và vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện mở rộng thành mô hình chăn nuôi gà thả đồi bài bản.
Anh Nguyễn Thành Nam với mô hình chăn nuôi gà thả đồi mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: ĐINH NGỌC
Trên diện tích đất gò đồi khoảng 2.000 m2, anh Nam xây dựng 2 khu chuồng nuôi và vây lưới chia thành hai 2 khu để tiện cho việc chăn nuôi theo lứa. Hơn 2 năm qua, mỗi năm anh nuôi khoảng 5 lứa gà, mỗi lứa khoảng 1.000 con. Anh Nam chia sẻ, anh mua gà giống từ công ty có uy tín, chọn giống gà có chất lượng thịt thơm ngon và thích hợp trong điều kiện thả vườn. Để gà phát triển tốt cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tuân thủ quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi; tiêm vắc xin phòng bệnh đúng chu kỳ…
Gà nuôi khoảng 4 tháng là có thể xuất bán, với trọng lượng từ 3 – 3,5 kg/con. Với mức giá từ 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ngoài chăn nuôi gà, anh Nam kết hợp nuôi cá và làm dịch vụ câu cá thư giãn, góp thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch hội LHTN xã Tây Giang, cho biết, nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn gà của gia đình anh Nam phát triển tốt, ít dịch bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon. Gia đình anh bán gà trực tiếp cho các thương lái, đầu ra ổn định, thu nhập khá. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tham quan tại mô hình của gia đình anh Nam để thanh niên và các hộ dân ở địa phương có thể học tập phát triển kinh tế.
Đinh Ngọc
Nguồn: Báo Bình Định