Đầu tư nâng cao chất lượng giống, mở rộng quy mô những vật nuôi có sẵn đang là hướng đi hiệu quả, giúp người dân huyện Quỳ Châu (Nghệ An) thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Gia trại của ông Lương Văn Phi ở bản Liên Bận, xã Châu Thắng nằm yên bình giữa bốn bề rừng núi, khe, suối. Giữa cái nắng của tháng Tám, căn chòi nhỏ của ông Phi nằm cạnh con suối nhỏ vẫn mát mẻ vì có cây cối che nắng.
Phía sau căn chòi, ông Phi đào 1 ao cá nối thông nguồn nước với khe, suối. Trên mặt ao, ông nuôi đàn vịt bầu Quỳ hơn 1 tháng tuổi, số lượng gần 300 con. Số vịt bầu Quỳ giống bản địa 300 con này, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ cả giống lẫn thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật chăm sóc.
Ông Lương Văn Phi chăm sóc đàn vịt bầu Quỳ. Ảnh: H.T
“Trước đây, tôi cũng có nuôi vịt nhưng chỉ là nuôi dăm con phục vụ nhu cầu của gia đình. Hơn nữa, giống vịt cũng mua trôi nổi trên thị trường, chứ không có được nguồn vịt bầu Quỳ chính gốc bản địa như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung cấp như bây giờ. Được hỗ trợ giống, thức ăn và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc nên chúng tôi rất yên tâm, vui mừng vì nhìn thấy được nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi giống đặc sản của quê mình. Với lượng thức ăn thiên nhiên dồi dào, vịt lại thích nghi tốt với môi trường nơi đây, nên tầm 4 tháng là tôi có nguồn thu kha khá” – ông Phi bộc bạch.
Tiếp lời ông Lương Văn Phi, anh Lê Mỹ Trang – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết, ông Phi là 1 trong 10 hộ đã được hỗ trợ vịt giống cùng với 1 tháng thức ăn và tiêm phòng dịch cho vịt. Số lượng hỗ trợ mỗi hộ 300 con vịt chuẩn gen vịt bầu Quỳ bản địa.
Ví như các hộ gia đình ông Sầm Văn Thiếu, Lữ Văn Tiến ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến được hỗ trợ mỗi hộ 150 con vịt bầu Quỳ, nguồn hỗ trợ trích từ ngân sách huyện theo chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2022. Được hướng dẫn kỹ thuật, cùng sự chăm sóc của bà con nên sau hơn 4 tháng chăn nuôi đã cho thu hoạch, bán với giá trung bình 300.000 đồng/con. Với quy định người nuôi phải duy trì gối vụ đàn vật nuôi, các hộ dùng tiền bán vịt thịt để mua vịt giống tiếp tục tái đàn.
Năm 2022, xã Châu Tiến có 3 hộ được hỗ trợ giống vịt bầu Quỳ phát triển kinh tế. Ảnh: H.T
Với cách làm này, nhiều hộ dân ở xã Châu Tiến cũng như các xã khác được thụ hưởng hỗ trợ đã có nguồn thu nhập ổn định. Với quy mô mỗi hộ nuôi 150 con – 300 con, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/lứa, vừa có nguồn thu cao, vừa có vốn để quay vòng vật nuôi một cách bền vững.
Hiện nay, huyện Quỳ Châu đã nhân đàn vịt bầu Quỳ chuẩn giống bản địa trên 10.000 con. Ảnh: T.P
Ngoài khôi phục, bảo tồn nguồn gen và nhân rộng chăn nuôi vịt bầu Quỳ, người dân huyện Quỳ Châu còn duy trì chăn nuôi giống lợn đen bản địa, vừa giúp tận dụng nguồn thức ăn phong phú ở địa phương, vừa giúp các hộ nuôi xóa nghèo, làm giàu từ con giống địa phương đặc trưng này. Ngoài ra, thịt lợn đen cũng là nguyên liệu quyết định chất lượng đặc trưng của các sản phẩm OCOP của huyện Quỳ Châu như thịt lợn gác bếp, xúc xích, lạp xưởng.
Ông Lô Văn Cương ở bản Na Pùa, xã Châu Nga cho biết, với đặc thù địa hình cách khá xa trung tâm huyện nên người dân xã Châu Nga đầu tư chăn nuôi quy mô hộ gia đình, quay vòng các lứa nuôi chứ không đầu tư quy mô lớn. Gia đình ông Cương cũng như các hộ khác, nuôi từ 5-7 con lợn đen giống bản địa. Thức ăn cho lợn chủ yếu là cây cối, rau, củ trồng được từ vườn nhà như chuối, rau khoai, sắn, kết hợp xay ủ thân cây cỏ voi, thân cây ngô… nên chỉ cần chịu khó là có thể có đủ nguồn thức ăn nuôi lợn. Vừa nuôi lợn thịt, vừa nuôi lợn nái đẻ, nên mỗi năm gia đình ông Cương cũng có thu nhập vài chục triệu đồng từ nuôi lợn đen.
Thu – Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An