Chuyển từ chăn nuôi lợn truyền thống sang chăn nuôi hữu cơ, gia đình chị Đặng Thị Huê ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Khởi nghiệp với trang trại chăn nuôi lợn truyền thống từ năm 2018, gia đình chị Đặng Thị Huê ở thôn Hà Phong (xã Kỳ Phong) bước đầu có thu nhập khá. Tuy nhiên, chỉ vài năm đi vào hoạt động, mô hình bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có vấn đề môi trường, do trang trại nằm khá gần với khu dân cư nên ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Đàn lợn hữu cơ thương phẩm của gia đình chị Huê chuẩn bị xuất bán.
Năm 2022, được sự tuyên truyền, vận động của UBND xã Kỳ Phong, chị Huê đã tiên phong chuyển đổi hình thức nuôi lợn truyền thống sang nuôi lợn theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. Chị Huê cho biết: “Được nghe giới thiệu về Tập đoàn Quế Lâm và những lợi ích mà chăn nuôi theo hướng hữu cơ mang lại, tôi mạnh dạn chuyển sang hình thức nuôi mới. Hướng đi này đã giúp gia đình nâng cao một bước trong phát triển chăn nuôi với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống”.
Quá trình nuôi, chị Huê được doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn và các chế phẩm sinh học; được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định… Vì vậy, từ vài con giống ban đầu, hiện mô hình của chị Huê thường xuyên có 10 con nái và trên 100 con lợn thương phẩm mỗi lứa (mỗi năm nuôi 2 lứa; nguồn giống hoàn toàn tự túc). Trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình chị Huệ thu lãi trên 300 triệu đồng. Mô hình của chị Huê đang là một trong những mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ lớn của tỉnh.
Nguồn thức ăn chăn nuôi hữu cơ được doanh nghiệp cung ứng đầy đủ.
Theo chị Huê, mặc dù nuôi lợn hữu cơ vất vả hơn, phải thực hiện nghiêm các quy định, yêu cầu về kỹ thuật nhưng lại tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ sản phẩm phụ của gia đình; lợn tăng trọng tốt, chất lượng thịt đảm bảo, được thị trường ưa chuộng. Sự khác biệt trong chăn nuôi lợn hữu cơ so với chăn nuôi truyền thống là tiêu chuẩn “5 không”: không thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc, không chất tạo màu, không chất tăng trọng, không chất bảo quản; sử dụng hoàn toàn các loại thức ăn hữu cơ…
Đàn lợn nái của chị Huê luôn duy trì mỗi năm sinh 2 lứa, đảm bảo đủ nguồn giống trong năm.
Với công nghệ sử dụng men vi sinh để xử lý nên chuồng trại luôn khô thoáng, không có mùi hôi, nước thải. Toàn bộ phụ phẩm được xử lý thành phân bón hữu cơ để trồng các loại thảo dược làm thức ăn như: hoàng ngọc, chuối hột… Chăn nuôi hữu cơ cũng hạn chế được nhiều loại mầm bệnh hay các tác động bên ngoài có thể gây bệnh cho đàn lợn, do được phía đối tác cung cấp chế phẩm bánh nén thảo dược, dùng để đốt và xông hơi cho đàn lợn khi xung quanh xảy ra dịch bệnh hoặc khi có người lạ vào khu vực chăn nuôi.
Ngoài lượng thức ăn chính được cung ứng từ doanh nghiệp, chị Huê luôn chú trọng bổ sung nguồn thức ăn thảo dược được trồng trong vườn.
Chi phí đầu vào của mô hình chăn nuôi hữu cơ rẻ hơn chăn nuôi truyền thống vì tận dụng được khoảng 30% lượng rau xanh tại chỗ. Tất cả thức ăn được bổ sung men, tỉ lệ phối trộn hợp lý và ủ trước khi cho ăn nên sẽ cho sản phẩm thịt sạch, an toàn, thơm ngon, được người tiêu dùng ghi nhận và tin dùng. Mặc dù giá bán cao hơn nhiều so với lợn nuôi theo truyền thống nhưng cung vẫn chưa đủ cầu.
Hiện nay, gia đình chị Huê tiếp tục duy trì ổn định quy mô đàn lợn hữu cơ với 10 con nái và lợn thương phẩm từ 100 – 120 con/lứa (mỗi năm 2 lứa). Dự định, khi có điều kiện mở rộng diện tích trồng thảo dược, gia đình sẽ mở rộng quy mô nuôi.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong Võ Tiến Sửu chia sẻ: “Địa phương đánh giá rất cao mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ của gia đình chị Đặng Thị Huê cả về kinh tế cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, mô hình đã tạo được sức sức lan toả, góp phần nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi về phát triển chăn nuôi an toàn, sinh học, bền vững. Thời gian tới. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xây dựng thêm nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ để nâng cao tiêu chí thu nhập”.
Vũ Viễn
Nguồn: Báo Hà Tĩnh