(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Bệnh cúm gia cầm thường phát triển mạnh vào thời điểm nào? Triệu chứng nhận biết và biện pháp phòng bệnh hiệu quả?
(Câu hỏi của An Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình)
Trả lời:
Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do virus cúm type A. Những thời điểm có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao rất thuận lợi cho virus cúm gia cầm tồn tại và phát triển.
Gia cầm bị bệnh cúm thường đi run rẩy, đầu lắc hoặc nằm tụ từng đám; đường hô hấp có biểu hiện như ho, thở khò khè, phù đầu, chảy nước mũi, mào tím tái, xuất huyết dưới da…; phân loãng có màu trắng hoặc trắng xanh…
Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, độc lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao làm cho một số loại gia cầm có thể chết 100%.
Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Chỉ chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với gia cầm nhập từ tỉnh ngoài phải được kiểm dịch và có Giấy chứng nhận kiểm dịch.
– Không nên nuôi gối các lứa và luân chuyển trong cùng một trại. Sau mỗi đợt xuất bán hết gia cầm, phải vệ sinh tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng trong một thời gian rồi mới thả đợt mới. Thực hiện cách ly và kiểm soát gia cầm giống mới nhập về ít nhất 14 ngày.
– Định kỳ hàng tuần phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chuồng trại; phát quang, khơi thông cống rãnh, rắc vôi bột, phun xịt thuốc sát trùng, thu dọn, xử lý kỹ chất thải trong trại, chất độn chuồng thay ra phải được khử trùng hoặc chôn, đốt.
– Phải có hố sát trùng, dụng cụ phun xịt ở cổng trại; khu chăn nuôi phải có các khay đựng thuốc sát trùng; hàng ngày phải vệ sinh dụng cụ chăn nuôi như xô, chậu, máng ăn, máng uống…
– Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát, có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, có hố khử trùng trước khu vực chăn nuôi, chất độn chuồng phải khô, sạch không ẩm mốc, bảo đảm đủ diện tích chuồng nuôi và sân chơi, thường xuyên thay độn chuồng. Nên có khu vực riêng tập trung phân và rác thải. Sau khi thu gom nên xử lý bằng phương pháp nhiệt sinh học. Không để các phương tiện đi lại, phương tiện vận chuyển (xe máy, xe đạp…) cạnh chuồng nuôi.
– Vệ sinh máng ăn máng uống sạch sẽ, nước uống đảm bảo trong sạch, thức ăn phải thơm, mới hấp dẫn đối với gia cầm.
– Hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã. Chủ động dùng vaccine tiêm phòng cho toàn đàn. Hiện nay dùng vaccine Cúm gia cầm để phòng bệnh với liều lượng 0,5 ml/con.
– Thu gom phân thải đánh đống ủ kỹ (từ 15 – 30 ngày) để tiêu diệt mầm bệnh.
– Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết nghi mắc cúm gia cầm, phải báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Không bán hoặc ăn thịt gia cầm ốm, gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác gia cầm chết và chất thải bừa bãi.
Ban KHKT