Thành phố Thái Bình: Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi

Hiện nay thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi. Để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm chất lượng, sản lượng gia súc, gia cầm và hoạt động cung ứng thực phẩm, thành phố Thái Bình đã chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi, trọng tâm là công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường và tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Thành phố có tổng đàn lợn trên 4.000 con trong diện tiêm phòng; đàn trâu, bò trên 800 con; đàn chó, mèo trên 5.100 con và trên 178.500 con gia cầm. Để đạt mục tiêu tiêm phòng các bệnh đỏ cho đàn lợn, bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò từ 90% trở lên; tiêm phòng các bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, cúm gia cầm đạt trên 80% so với tổng đàn trong diện tiêm phòng; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tăng từ 10 – 15% so với cùng kỳ năm 2021, UBND thành phố yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiêm đợt đại trà đồng loạt thành chiến dịch, sau đó tiêm bổ sung hàng tháng cho gia súc, gia cầm tái đàn, đến tuổi tiêm phòng. Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố đã cử cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn kỹ thuật, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường và tiêm vắc-xin phòng bệnh.

vệ sinh chuồng trại

Tiêu độc khử trùng cho đàn vật nuôi.

Ông Trần Xuân Trung, Quyền Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết: Thời tiết đang chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia tăng trên đàn gia súc, gia cầm như: lở mồm long móng trên đàn trâu, bò, cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi ở lợn. Vì vậy, Trạm đã phối hợp với các phường, xã tăng cường giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo kịp thời và chủ động các phương án ứng phó. Đồng thời, khuyến cáo các đơn vị thực hiện tiêm phòng đầy đủ, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Người chăn nuôi được hỗ trợ vắc-xin 4 bệnh đỏ cho đàn gia súc và bệnh lở mồm long móng cho đàn lợn nái và đực giống. Ngoài ra, hộ chăn nuôi cần chủ động mua vắc-xin phòng các loại bệnh khác để tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nhất là đối với các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dại chó mèo cần được tiêm phòng đúng thời điểm để hiệu quả phòng bệnh ở mức cao nhất.

Để công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường và tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, cùng với sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, các địa phương đã tăng cường chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi nâng cao nhận thức, ký cam kết và chấp hành nghiêm túc việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nhất là đàn chó, mèo theo chủ trương, chỉ đạo của tỉnh và thành phố; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên thú y tiêm phòng thuận lợi. Ban chăn nuôi và thú y các xã, phường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chủ các trang trại thực hiện tiêm phòng theo quy định. Ông Phan Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính cho biết: Để công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường và tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ xuân, hè đạt hiệu quả cao, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai với tinh thần chủ động và bảo đảm việc tiêm phòng đúng thời điểm, đối tượng, kế hoạch và quy trình kỹ thuật, an toàn, hiệu quả. 

Tập trung rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi, nắm chắc tình hình dịch bệnh; đăng ký số lượng, chủng loại vắc-xin với Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố để được cung ứng vắc-xin đầy đủ, chất lượng và kịp thời. Nhân viên thú y thường xuyên xuống các hộ chăn nuôi tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tu sửa chuồng trại bảo đảm khô ráo, thoáng mát, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định đối với từng đối tượng vật nuôi.

Cùng với việc chủ động triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, tiêm phòng để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hơn hết các hộ chăn nuôi cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng để phòng ngừa, kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đây là điều kiện quan trọng và cần thiết để đàn vật nuôi phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi.

Minh Nguyệt

Nguồn: Báo Thái Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *