Thanh niên 9X khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên anh Lê Hoàng Phương (SN 1999) ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi sớm đã có ý thức vươn lên trong cuộc sống và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chính vì thế, hơn 1 năm trước, anh Phương đã quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ.

mô hình nuôi thỏ

Anh Lê Hoàng Phương – Thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi

Số vốn khởi điểm mà anh Phương bỏ ra để bắt đầu với mô hình chăn nuôi này là hơn 50 triệu đồng để mua 40 con thỏ giống và trang bị 40 lồng nuôi. Với sự chăm chỉ, cần cù và chịu khó, đến nay anh Phương đã sở hữu hơn 300 con thỏ giống lớn nhỏ khác nhau (bao gồm thỏ lai rừng và thỏ lai Newzealand) với hơn 120 chuồng nuôi. Anh Phương chia sẻ: “Đầu ra của giống thỏ lai rừng và lai Newzealand này khá ổn định, mặt khác thỏ là loại gia súc dễ nuôi, thịt thỏ còn là món ăn giàu đạm, bổ dưỡng nên được thị trường ưa chuộng. Mặt khác, thức ăn dùng để nuôi thỏ khá dễ kiếm và có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có là rau cỏ tại chỗ, chi phí đầu tư thấp, cách chăm sóc đơn giản, thỏ ít bệnh tật, tăng trọng nhanh lại có đầu ra ổn định”.

mô hình nuôi thỏ

Mô hình nuôi thỏ của anh Lê Hoàng Phương

Hàng tháng, sau khi trừ các chi phí, mô hình nuôi thỏ lai rừng và thỏ lai Newzealand mang lại lợi nhuận cho chàng trai trẻ Lê Hoàng Phương từ 12 – 15 triệu đồng. Tuy nhiên để có thành quả đó, thì không hề dễ dàng đối với chàng thanh niên thế hệ 9X. Vì vốn dĩ việc chăm thỏ đòi hỏi người nuôi phải cần cù, chịu khó vì thời gian trung bình để chăm thỏ mỗi ngày mất đến 12 tiếng đồng hồ, đặc biệt để thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, người nuôi phải chịu khó thức khuya từ 10 giờ đêm hôm trước cho tới 2 giờ sáng hôm sau để cho thỏ ăn. Đồng thời, cũng phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Với diện tích chuồng nuôi khoảng 120 m2 được thiết kế với mái che cao, 2 bên sử dụng bạt di động để che mưa và rét đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Ngoài ra, anh Phương còn thiết kế ống nước tự động ngay tại từng lồng nuôi để thỏ dễ dàng uống nước. Với hệ thống chuồng trại và thức ăn đảm bảo hợp vệ sinh cộng với việc áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn thỏ của anh Phương phát triển khá tốt. Để tiết kiệm chi phí, anh Phương còn tận dụng khoảng đất trống của gia đình để trồng rau muống và biến nó là nguồn thức ăn chủ yếu cho đàn thỏ mà anh nuôi, ngoài rau muống, anh Phương còn cho thỏ ăn thêm cỏ, cám bắp, cám gạo…

Được biết, ngoài bán thỏ giống với mức giá khoảng 120.000 – 140.000 đồng/kg, thỏ thương phẩm với mức giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, anh Phương còn cung cấp phân thỏ cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên của tuổi trẻ, sự ham học hỏi và chí thú trong làm kinh tế, thanh niên 9X Lê Hoàng Phương dần khẳng định bản thân và từng bước vươn lên trong cuộc sống.

mô hình nuôi thỏ

Anh Phương thiết kế ống nước tự động để thỏ dễ dàng uống nước

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phương hy vọng thông qua mô hình nuôi thỏ lai rừng và thỏ lai Newzealand của anh sẽ là một trong những gợi ý để các bạn thanh niên trẻ chưa có định hướng công việc trong tương lai hoặc chưa có việc làm ổn định có thể áp dụng. Anh sẵn sàng chia sẻ cách thức, quy trình chăm sóc cũng như những bí quyết nuôi thỏ mà bản thân đã áp dụng từ thực tiễn trong hơn 1 năm qua để mọi người, nhất là các bạn trẻ ở La Gi muốn học hỏi về mô hình này.

Rạng Đông

Nguồn: Báo Bình Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *