Chiều 29-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá tổ chức Hội nghị triển khai công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2-2023 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn công tác tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm độc lực cao; vắc xin dịch tả lợn Châu Phi và một số nội dung bảo vệ lúa mùa.
8 tháng năm 2023, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và người chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm đã được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc. Công tác tiêm phòng đợt 1-2023 cho đàn gia súc, gia cầm được các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt; nhiều địa phương đạt 100% kế hoạch tiêm chủng, như: Triệu Sơn, Nông Cống, Đông Sơn, Thọ Xuân…
Thời tiết những tháng cuối năm diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi để nhiều loại mầm bệnh phát sinh, phát triển, bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo kế hoạch, thời gian tiêm phòng đồng loạt các loại vắc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đợt 2 được thực hiện từ ngày 1-9 đến 30-10-2023. Yêu cầu tỷ lệ tiêm đạt trên 90% diện tiêm trở lên với các huyện đồng bằng và 80% trở lên với các huyện trung du, miền núi.
Đối với công tác tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục trâu bò, căn cứ vào tình hình thực tế, UBND các huyện thị xã, thành phố chỉ đạo xây dựng phương án, thời gian tổ chức tiêm phòng đợt chính, bổ sung vắc xin cho đàn trâu bò phù hợp với địa phương, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả phòng chống dịch và hoàn thành kế hoạch UBND tỉnh giao.
Ngoài các đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung liên tục cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm trong đợt chính và số gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến tuổi tiêm.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm đợt 2-2023, các huyện, thị xã, thành phố cần có kế hoạch cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu, bám sát địa bàn để kịp thời khắc phục những khó khăn phát sinh.
Đồng thời, bố trí lực lượng chuyên môn thú y để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch và tiêm phòng trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, đủ số lượng và đúng chủng loại vắc xin.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của tiêm phòng và thực hiện đúng quy định…
Cũng tại hội nghị, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã thông tin về tình hình sâu bệnh hại lúa mùa, dự báo diễn biến sâu bệnh trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương có các biện pháp tăng cường chủ động phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ an toàn vụ thu mùa năm 2023. Cụ thể, cần phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để xác định, điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của đối tượng sâu bệnh để xây dựng phương án phòng trừ. Tăng cường thông tin tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, máy bay phun thuốc trên địa bàn để hỗ trợ công tác phòng trừ sâu bệnh. Mặt khác, tổ chức thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ mùa, bảo đảm giá trị, sản lượng, an toàn trước diễn biến bất thường của thời tiết, sâu bệnh, nhất là để tạo quỹ đất gieo trồng vụ đông sớm.
Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa