Những tháng cuối năm 2022 sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên đàn lợn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn và thuốc thú y tăng 30 – 40%, cùng với đó giá thịt lợn xuất chuồng biến động mạnh, tác động đến tâm lý của người chăn nuôi.
Để thúc đẩy sản xuất chăn nuôi, tổ chức tái đàn lợn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, đáp ứng nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3604/SNN&PTNT-CNTY yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã triển khai đồng bộ, hiệu quả một số biện pháp cụ thể.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, ngành Nông nghiệp về tăng đàn, tái đàn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững và góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn tỉnh, xuất ra tỉnh ngoài và xuất khẩu.
Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).
Khẩn trương rà soát lại số lượng đàn lợn trên địa bàn, các cơ sở sản xuất giống, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn; đánh giá tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn quản lý, có kế hoạch tăng đàn, tái đàn phù hợp theo Kế hoạch số 279/KH-UBND ngày 15-12-2021 của UBND tỉnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ, kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện, tỉnh thực hiện xây dựng, hình thành, thiết lập và duy trì các chuỗi liên kết, kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi lợn, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi, ứ đọng, không xuất bán được sản phẩm lựa chọn doanh nghiệp làm đầu tàu tham gia chăn nuôi theo chuỗi (chuỗi khép kín và chuỗi liên kết), gắn với việc xây dựng cơ sở/vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và giết mổ, chế biến.
Tăng cường công tác dự tính, dự báo thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng thịt lợn; tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, về thị trường lợn hơi, sản phẩm thịt lợn nhập khẩu giúp cho người chăn nuôi nắm bắt được tình hình thị trường và có kế hoạch chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; tuyên truyền mạnh về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Các địa phương, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2022 bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm thuộc diên tiêm phòng theo kế hoạch.
Phát triển các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn rừng… bảo đảm an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế).
Khuyến khích trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng các giải pháp công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần tối ưu, bảo đảm cân bằng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm dựa trên các nguyên liệu phù hợp, sử dụng tối đa các nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm các chi phí trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt lợn; tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không được mua bán, giết mổ lợn bị ốm, chết để chế biến thành thực phẩm; chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm lợn có nguồn gốc rõ ràng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Lê Thanh
Nguồn: Báo Thanh Hóa