Sưng phù đầu do vi khuẩn ở heo con

(Người Chăn Nuôi) – Heo con ở giai đoạn cai sữa và sau cai sữa khi thay đổi thức ăn, nuôi dưỡng cùng các yếu tố stress bất lợi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm rất dễ bị bệnh sưng phù đầu. Bệnh có tỷ lệ chết cao, xảy ra nhanh gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh do vi khuẩn Escherichia coli (thuộc họ Enterobacteriaceae) gây ra… Vi khuẩn E.coli bình thường có sẵn trong đường ruột, chủ yếu ở trong phần ruột già và phần dưới của ruột non, đây là vi khuẩn cơ hội sẵn sàng tấn công vào cơ thể heo khi có một số điều kiện tác động đến heo như:

– Những ngày đầu sau khi đẻ, do heo con chưa hoàn chỉnh hệ thống phòng vệ;

– Lượng acid dạ dày (HCl) còn ít nên vi khuẩn E.coli dễ dàng xâm nhập vào ruột và gây bệnh;

– Việc chăm sóc nuôi dưỡng heo mẹ chưa phù hợp, chuồng trại ẩm ướt, vệ sinh kém, không thông thoáng, bị stress, thiếu máu, thiếu vitamin…

Vi khuẩn E.coli xâm nhập vào đường tiêu hóa và phát triển, nhân lên nhanh chóng về số lượng, đồng thời sản sinh nhiều độc tố đi vào máu đầu độc cơ thể heo, đặc biệt là hệ thần kinh gây hoảng loạn, làm tổn thương thành mạch dẫn đến thẩm xuất dịch ra ngoài gây hiện tượng phù nề. Heo con chết rất nhanh, tỷ lệ chết cao tới trên 90% nếu không được can thiệp kịp thời.

Bệnh sưng phù đầu thường xảy ra ở heo trong giai đoạn cai sữa và sau cai sữa 3 – 4 tuần. Heo con tách khỏi mẹ nên thường có những thay đổi về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng như: Thức ăn, chuồng nuôi. Mặt khác, những yếu tố stress bất lợi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm làm giảm sức đề kháng của heo hoặc vệ sinh chuồng nuôi kém cũng là nguyên nhân làm cho vi khuẩn E.Coli có cơ hội phát triển. Bệnh cũng có thể lây trên đàn heo con còn đang bú mẹ.

sưng phù đầu ở heo con

 

Triệu chứng

Bệnh thường diễn ra nhanh, nếu ở thể quá cấp tính heo chết đột ngột không biểu hiện triệu chứng điển hình. Thường những con to nhất trong đàn phát bệnh đầu tiên và chết đột ngột trong vòng 4 – 48 giờ từ khi phát hiện. Hiện tượng phù thũng là triệu chứng đặc trưng của bệnh, thường thấy ở vùng đầu như: Phù mí mắt; Phù ở hầu chèn ép thanh quản làm heo kêu tiếng khàn; Có những triệu chứng thần kinh co giật, liệt 2 chân sau, chuyển động mất định hướng, trước khi chết 4 chân như “bơi thuyền”.

Một số trường hợp có biểu hiện thở khó, xung huyết ở các niêm mạc (mắt, mồm), xanh tím ở các vùng ngoại biên như tai, mõm. Thân nhiệt của heo bình thường, không sốt. Heo có thể bị tiêu chảy hoặc không.

 

Bệnh tích

– Heo chết nhanh vì thế ít giảm khối lượng; Cơ thể tích nước dưới da, phù mí mắt, tím ở ngực, máu đặc và thẫm.

– Mổ dạ dày thấy thức ăn trong dạ dày không tiêu hóa được.

– Đường cong lớn dạ dày bị viêm, sưng phù ở lớp dưới niêm mạc dạ dày.

– Màng treo kết tràng, ruột non, trực tràng, xoang ngực và bụng tích nước.

– Viêm màng phổi và viêm phổi nặng. Gan, lách sưng tụ huyết, xuất huyết.

 

Chẩn đoán

Căn cứ vào dấu hiệu lâm sàng đặc trưng: Heo chết đột ngột, có hội chứng thần kinh và hiện tượng phù thũng mí mắt và phù đầu.

Tuy nhiên, để xác định bệnh một cách chính xác, cần lấy bệnh phẩm nuôi cấy trên môi trường để tìm các chủng vi khuẩn có kháng nguyên O và kháng nguyên K gây dung huyết.

 

Phòng bệnh

Sử dụng vaccine: Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Có thể dùng vaccine E.coli phù đầu, sản xuất tại Viện Thú y Quốc gia (chai 20 ml, liều tiêm 1 ml/con vào thời điểm 1 – 2 tuần trước khi cai sữa). Đây là vaccine bất hoạt được sản xuất từ các chủng Escherichia Coli dung huyết có độc lực cao. Vaccine đã được Viện Thú y Quốc gia kiểm định, có tính an toàn và ổn định cao, khả năng tạo đáp ứng miễn dịch tốt và bền vững. Tỷ lệ bảo hộ cao trên 90%. Vaccine sử dụng an toàn cho tất cả các lứa tuổi heo từ 7 ngày tuổi trở lên. Tuy nhiên, để phòng bệnh hiệu quả nhất cần tuân thủ hướng dẫn sau: Tiêm cho heo con 7 – 10 ngày tuổi. Trước, trong và sau quá trình tiêm vaccine cần chú ý chăm sóc tốt cho heo con. Không tiêm vaccine khi heo con đang mắc bệnh.

Chăm sóc, vệ sinh, nuôi dưỡng: Luôn giữ chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ, khô ráo; Thức ăn, nước uống hợp vệ sinh nhằm giảm khả năng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể heo. Thường xuyên sát trùng và tẩy uế chuồng trại bằng hóa chất Benkocid, Iodine hoặc vôi bột…

Không thay đổi thức ăn đối với heo con trước ngày cai sữa và 3 – 4 ngày sau cai sữa. Tập cho heo ăn sớm vào tuần lễ thứ hai bằng thức ăn dễ tiêu hóa. Tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho heo con bằng các thuốc trợ sức, trợ lực, men vi sinh… Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Không thay đổi đột ngột thức ăn. Khi cai sữa nên giữ heo con ở lại chuồng và chuyển heo mẹ sang chuồng khác. Trong khẩu phần ăn của heo luôn có hàm lượng thức ăn thô xanh 25 – 40% không nên cho heo ăn quá nhiều tinh bột, chất đạm.

 

Điều trị

Vi khuẩn E.Coli sinh ngoại độc tố nhiễm vào máu nên việc điều trị kém hiệu quả. Do đó cần theo dõi và phát hiện bệnh sớm: Trong đàn nếu thấy một số con ốm (có biểu hiện triệu chứng lâm sàng) tách ngay ra khỏi đàn.

Heo khó thoát chết khi đã biểu hiện triệu chứng thần kinh hay phù nặng. Cách ly riêng con ốm, chữa bệnh đón đầu toàn đàn bằng: Có thể dùng kháng thể HANVET-K.T.E.HI tiêm phúc xoang với liều: 0,3 – 0,5 ml/kg TT, tối thiểu 1 ml/con. Mỗi ngày tiêm 1 mũi và dùng liên tục 2 – 4 ngày.

Nguyên tắc điều trị là cùng lúc làm giảm (trung hòa) hàm lượng độc tố trong máu và giảm mật độ, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn E.coli cư trú trong đường ruột, cụ thể:

– Ngừng cho ăn thức ăn giàu tinh bột, tăng khẩu phần thức ăn rau xanh, chất xơ, có thể trộn thêm kháng sinh vào thức ăn (Trimco-colis). Chuồng trại khô ráo, ấm áp.

– Tiến hành tiêm cho toàn đàn heo chưa có dấu hiệu lâm sàng và những con đang ốm: Kháng thể E.coli tiêm 1 lần/ngày, trong vòng 2 – 3 ngày. Tiếp đó tiêm kháng sinh Genorfcoli: 2 mg/10 kg thể trọng, tiêm bắp thịt. Kết hợp tiêm bổ sung thuốc bổ trợ: Điện giải, Vitamin C, B-complex.

Phạm Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *