UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án phát triển vùng nguyên liệu cho dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Theo đó, phạm vi thực hiện trên địa bàn 09 xã của 03 huyện, gồm: xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (huyện Như Thanh); xã Công Chính, Yên Mỹ, Tượng Sơn, Công Liêm (huyện Nông Cống); xã Xuân Hoà, Xuân Bình (huyện Như Xuân).
Cụ thể, phấn đấu năm 2023 và năm 2024 tổng diện tích đất trồng nguyên liệu thức ăn xanh đạt 447,93 ha; sản lượng đạt 58.384 tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn xanh cho 5.000 con bò. Năm 2025, tổng diện tích đất trồng nguyên liệu thức ăn xanh đạt 1.061,82 ha; sản lượng đạt 138.178 tấn/năm; đảm bảo 68% tổng nhu cầu thức ăn cho 20.000 con bò (lượng thức ăn còn thiếu khoảng 32% được thu mua nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp và nguồn khác).
Ảnh minh họa
Mục tiêu nhằm phát triển vùng nguyên liệu phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện (Nông Cống, Như Thanh và Như Xuân), quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đảm bảo khai thác thế mạnh của vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Phát triển vùng nguyên liệu phải căn cứ vào quy mô trang trại bò sữa và công suất nhà máy chế biến sữa, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn thô xanh một cách hiệu quả và phù hợp, theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất; tập trung thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái; Hình thành, phát triển các mối liên kết sản xuất giữa Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ với các địa phương và tổ chức, cá nhân trong vùng nguyên liệu
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện có liên quan tổ chức công khai nội dung phương án; tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc ngành, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện phương án; xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân; xây dựng các mô hình trình diễn, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ có hiệu quả; Theo dõi, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện phương án; kịp thời đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế; báo cáo UBND tỉnh định kỳ, đột xuất tình hình và kết quả thực hiện phương án.
GP
Nguồn: Báo Thanh Hóa