Thời gian qua, giá lợn hơi lên xuống thất thường trong khi giá thức ăn liên tục tăng cao, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng tới sản xuất… đã khiến người chăn nuôi lợn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhất là sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, nên chăn nuôi lợn của tỉnh đã vượt qua thời điểm khó khăn, tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Ngay sau khi khống chế được dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát vào những tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, từ đó tạo môi trường an toàn cho người chăn nuôi đầu tư tái sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, nhất là tái đàn, tăng đàn, kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với những cơ sở chăn nuôi không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý con giống; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống trên địa bàn tăng cường nhân giống, cung ứng con giống có chất lượng, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện tái đàn, tăng đàn. Các cơ sở chăn nuôi hiện đang lưu giữ đàn lợn nái ngoại sinh sản, cả phẩm cấp giống ông bà và phẩm cấp giống bố mẹ, cần thực hiện tốt nhất quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý dịch bệnh để bảo vệ đàn lợn giống. Đối với các trang trại mua lợn giống từ bên ngoài, cần thực hiện nghiêm túc về chất luợng, nguồn gốc xuất xứ và được chứng nhận an toàn dịch bệnh, nuôi cách ly theo dõi, nếu an toàn lợn mới được nhập trại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp chú trọng việc nhập con giống có năng suất, chất lượng cao như giống lợn thuần chủng Yorkshire, Durock, Landrace… từ Đan Mạch.
Mô hình chăn nuôi lợn tại thị trấn Thiệu Hóa.
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư con giống, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng cơ sở, môi trường chăn nuôi định kỳ, thường xuyên. Đồng thời, khuyến khích các trang trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư di dời ra các khu trang trại tập trung đã được quy hoạch. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cần đầu tư xây dựng chuồng trại, xây dựng hầm biogas và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Đi đôi với đó, duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết; chú trọng và gắn kết giữa các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, ổn định thị trường. Hiện nay, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh cùng các địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi lợn, nhất là các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, như: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện của Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa; khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa của Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam; khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao New Hope của Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi New Hope Thanh Hóa… Tăng cường thực hiện giải pháp về giết mổ, chế biến; xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các HTX chăn nuôi, các tổ, hội… để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, áp dụng khoa học – kỹ thuật,… nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
Được xác định là một trong những con nuôi chủ lực của tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1,2 triệu con lợn, chăn nuôi chuyển biến theo hướng tích cực và chăn nuôi trang trại phát triển chiếm tới 40%. Thời gian tới, để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh tiếp tục khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đầu tư sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao; cung cấp cho người chăn nuôi các địa chỉ sản xuất con giống đạt chất lượng, an toàn dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đồng thời, thực hiện việc kiểm dịch, lấy mẫu giám sát định kỳ, thường xuyên kiểm tra chất lượng con giống. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chú trọng xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh. Đi đôi với đó, chú trọng kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi lợn bằng cách liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa