Qua rà soát của ngành nông nghiệp, tỉ lệ các cơ sở chăn nuôi nằm xen ghép trong các khu dân cư còn chiếm tỉ lệ cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân… Vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư đã và đang trở thành bài toán khó đối với địa phương và các sở, ngành liên quan.
Trước năm 2016, gia đình chị Hoàng Thị Hưng, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) tận dụng diện tích vườn rộng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, với quy mô nuôi 10 con lợn và khoảng 150 con gà/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Mặc dù gia đình đã đầu tư công trình biogas, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, song vào mùa hè, mùi hôi từ khu chăn nuôi của gia đình chị luôn trở thành chủ đề phàn nàn của hàng xóm. UBND xã Vĩnh Phúc đã vận động gia đình chị di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khu quy hoạch phát triển trang trại (TT) chăn nuôi tập trung của xã. Tuy nhiên, thời điểm đó, gia đình chị chưa đủ vốn để đầu tư TT quy mô lớn nên đã dừng chăn nuôi. Đến năm 2017, gia đình chị Hưng đã vay vốn đầu tư xây dựng TT chăn nuôi lợn ngoại với diện tích 1.500 m2; xây dựng chuồng trại kiên cố, có hệ thống nước tắm, nước uống, máng ăn tự động… Nhờ đó, TT phát triển ổn định, không bị dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường và doanh thu luôn đạt từ 700 – 800 triệu đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi của hộ gia đình ông Lê Đình Khánh, thôn Bùi Hạ 1, xã Yên Tâm (Yên Định) được di dời ra khu trang trại tập trung.
Được biết, từ năm 2016, thực hiện chủ trương phát triển các khu TT tập trung quy mô lớn của tỉnh, UBND xã Vĩnh Phúc đã bố trí quỹ đất để xây dựng khu TT chăn nuôi tập trung, với quy mô gần 20 ha và vận động các hộ chăn nuôi có tiềm năng di dời cơ sở ra những khu TT được quy hoạch. Đến nay, toàn xã có khoảng 20 TT đã di dời và hàng chục hộ có nguyện vọng di dời. Song vẫn còn hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xen ghép trong các khu dân cư. Nguyên nhân do những cơ sở chăn nuôi nông hộ vừa không muốn thay đổi điều kiện sinh hoạt, vừa thiếu kinh phí đầu tư, phát triển theo quy mô lớn. Đồng thời, việc chuyển đổi nghề cho các chủ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng không phải là vấn đề dễ dàng.
Tại huyện Yên Định, hiện có gần 900 TT, gia trại; trong đó, có 111 TT đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, được đầu tư xây dựng tại các khu quy hoạch. Tuy nhiên, số lượng cơ sở chăn nuôi nằm xen ghép trong khu dân cư tại các xã, thị trấn vẫn còn nhiều. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Huyện sẽ rà soát, thống kê số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nằm xen ghép trong khu dân cư để di chuyển trước, tiếp đó sẽ vận động, tuyên truyền, di dời các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp gắn với cuộc sống sinh hoạt nên đa phần còn do dự khi được tuyên truyền, vận động di dời đi nơi khác.
Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 68 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, với 488 TT chăn nuôi; trong đó, có 39 khu TT được quy hoạch tập trung, cách xa khu dân cư và bảo đảm vệ sinh môi trường. Song, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 724.916 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm phân tán trong khu dân cư. Mặc dù chăn nuôi nông hộ không mang lại giá trị kinh tế cao song lại đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế nông hộ, nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn. Do đó, để giải bài toán về di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, HĐND tỉnh đã có Quyết định số 185/2021/QĐ-HĐND, ngày 10-12-2021 về ban hành cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, có quy định hỗ trợ ngừng hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm sau khi TT chăn nuôi ngừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định của pháp luật, có xác nhận của UBND cấp xã sẽ được hỗ trợ 1 lần trong 3 tháng liên tiếp với mức 4 triệu đồng/tháng đối với TT quy mô nhỏ, 5 triệu đồng/tháng đối với TT quy mô vừa và 8 triệu đồng/tháng đối với TT quy mô lớn. Ngoài ra, các TT có nhu cầu di dời đến địa điểm mới để tiếp tục chăn nuôi, thì mỗi TT được hỗ trợ thêm một phần chi phí vận chuyển chuồng trại, vật nuôi, thiết bị chăn nuôi, từ 3 – 7 triệu đồng tùy khoảng cách và quy mô TT.
Có thể thấy, Quyết định số 185/2021/QĐ-HĐND chính là “trợ lực” tích cực nhằm tạo sự đồng thuận cao để sớm di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của Nhân dân.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Nguồn: Báo Thanh Hóa