Năm 2023, khó khăn “bủa vây” ngành chăn nuôi. Giá các sản phẩm chăn nuôi chủ lực như lợn, gà, bò… bán ra thấp, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao… Tuy nhiên, với sự nỗ lực để duy trì sản xuất, ngành chăn nuôi đã thích ứng linh hoạt, tìm cơ hội vượt qua khó khăn.
Trước sự ảnh hưởng chung của thị trường tiêu thụ cả nước, những tháng đầu năm 2023, giá lợn hơi giảm sâu khoảng 35% so với thời điểm trước đó, cùng giá các loại thực phẩm như gà, trứng, thịt bò… cũng ở mức thấp so với giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do 70% nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu, khiến nhiều trang trại, gia trại phải giảm đàn để tránh thua lỗ. Trong năm, ở nhiều tỉnh, dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm như cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu bò, dại…, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát, trong đó có 4 tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa là Ninh Bình, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình, đe dọa đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Trang trại chăn nuôi gà ở xã Nga Bạch (Nga Sơn)
Với những khó khăn, thách thức đặt ra, ngành nông nghiệp đã đồng hành cùng người chăn nuôi để tìm ra các giải pháp duy trì sản xuất, hạn chế rủi ro. Đồng thời, kịp thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên tái đàn, tăng đàn ồ ạt, theo dõi giá cả thị trường để đầu tư phù hợp, chủ động liên kết với cơ sở chăn nuôi có uy tín, các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Trước tình hình về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC), ngành đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phân công lực lượng giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm nếu có dịch bệnh xảy ra, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng cùng các địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, xây dựng được 107 cơ sở chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Công tác kiểm dịch động vật, quản lý vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật luôn được đẩy mạnh thực hiện; công tác tiêm phòng vắc-xin đạt 100% kế hoạch, thuộc tốp đầu cả nước. Năm 2023 là năm thứ 11, tỉnh không để bùng phát dịch bệnh trên diện rộng; nhất là bao vây dập tắt kịp thời bệnh dại, công bố hết dịch chỉ sau 21 ngày. Từ đó, góp phần ổn định tổng đàn GSGC toàn tỉnh, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với 26,5 triệu con gia cầm, 1,3 triệu con lợn, 455.000 con trâu, bò; sản phẩm chăn nuôi thịt hơi các loại đạt 292 nghìn tấn.
Để chăn nuôi phát triển bền vững, 72 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi đã tiếp tục đầu tư hình thành, phát triển các chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò theo hình thức gia công đã và đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia. Bên cạnh đó, nhờ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, hiện Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với 37 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với công suất mỗi năm 84 nghìn lợn nái, 1,2 triệu lợn thương phẩm, 59 nghìn vịt giống, 4,7 triệu gà thương phẩm… Tại các địa phương, công tác xây dựng vùng chăn nuôi tập trung cũng được chú trọng thực hiện, người dân cũng đã có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP…
Năm 2024, ngành nông nghiệp nhận định tình hình dịch bệnh GSGC, động vật, thủy sản cùng với một số bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đang lưu hành sẽ có chiều hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp. Tuy Thanh Hóa có tổng đàn GSGC lớn nhưng quy mô chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trong thời gian tới chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”; suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo sức tiêu thụ giảm, giá các sản phẩm chăn nuôi biến động, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới.
Tuy thách thức, khó khăn vẫn chờ phía trước, nhưng đây có thể xem là cơ hội để ngành nông nghiệp phát huy những thế mạnh trong chỉ đạo, quản lý để khai thác tiềm năng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, năm 2024, ngành đã đặt ra mục tiêu, chú trọng phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; hỗ trợ chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường; tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa