Năm 2022, trong bối cảnh người chăn nuôi các tỉnh, thành trên cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đứt gẫy của các chuỗi cung ứng toàn cầu làm giá thức ăn chăn nuôi tăng “phi mã”, trong khi đó giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi các tháng đầu năm 2022 lại giảm mạnh… Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chủ động triển khai nghiêm túc các giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong đó, đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu. Công tác kiểm dịch động vật, quản lý vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật luôn được đẩy mạnh thực hiện; cùng với đó thực hiện lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh để chủ động đánh giá các nguy cơ dịch bệnh nhằm ứng phó kịp thời.
Bằng những giải pháp kịp thời, chính xác, kết quả đáng ghi nhận và là “dấu mốc” đặc biệt trong năm 2022 đó chính là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Từ đó, góp phần ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh, với số lượng đàn trâu có 180 nghìn con, đạt 94,7% kế hoạch, đàn bò 270 nghìn con, đạt 94,7% kế hoạch, đàn lợn 1,25 triệu con, đạt 100% kế hoạch, đàn gia cầm 24,5 triệu con, đạt 104,3% kế hoạch.
Người dân xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) chú trọng thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm.
Trong năm qua, Thanh Hóa là một trong những tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư với 5 dự án, nâng tổng số dự án chăn nuôi quy mô lớn hiện đang trong quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai đầu tư và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh là 17 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng; đa dạng cơ cấu vật nuôi như gà, bò sữa, lợn ngoại hướng nạc… Khi các dự án đi vào hoạt động đủ quy mô, công suất sẽ nâng tổng đàn lợn của tỉnh trong giai đoạn 2025 – 2030 lên 2,2 triệu con, gấp đôi so với tổng đàn hiện nay và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Nhờ “làn sóng” đầu tư này, ngành chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, máy móc hiện đại. Cùng với đó, 69 doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, giết mổ, như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn DABACO, Công ty CP Nông sản Phú Gia… hình thành nên các chuỗi chăn nuôi tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn… Góp phần chuyển dịch về cơ cấu sản xuất, đa dạng chủng loại vật nuôi.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết: Năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm lợi thế, chủ lực, không để tái nhiễm các loại dịch bệnh, thực hiện tốt kiểm soát giết mổ. Chú trọng ổn định đàn gia súc, gia cầm, với tổng đàn trâu 180 nghìn con, đàn bò 275 nghìn con, đàn lợn 1,3 triệu con, đàn gia cầm 24,5 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại đạt 290 nghìn tấn…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, chi cục sẽ tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin theo đúng kế hoạch… Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, đồng thời, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa