Thành công với mô hình thử nghiệm nuôi cầy vòi hương

Cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm của anh Trần Đức Bình tại thôn Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vừa xuất bán lứa cầy vòi hương giống đầu tiên ra tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Tuy đưa vào nuôi thử đối tượng khá mới, chưa có ở huyện Vĩnh Linh nhưng với sự đầu tư đảm bảo từ nguồn giống đến quy trình, kỹ thuật chăm sóc, anh Bình đã bước đầu gây nuôi, phát triển được đàn cầy vòi hương theo hướng trang trại.

Xuất khẩu lao động trở về quê, quá trình tìm hướng lập nghiệp, nhận thấy nuôi động vật hoang dã mục đích thương mại đang là một trong những nghề được quan tâm, mang lại lợi nhuận cao cho người dân nhiều tỉnh, thành phố trong nước, anh Bình quyết định học hỏi để xây dựng mô hình nuôi cầy vòi hương.

Với kinh phí gần 200 triệu đồng, tháng 6/2021, sau khi hoàn thiện hệ thống chuồng trại, anh Bình nhập 16 cá thể cầy vòi hương giống, gồm 8 cá thể đực, 8 cá thể cái từ các cơ sở giống tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam về nuôi thử.

nuôi cầy vòi hương

Anh Trần Đức Bình chú trọng cân bằng khẩu phần ăn trong quá trình chăm sóc cầy vòi hương – Ảnh: N.T

Thời điểm này cầy vòi hương giống nặng 0,8 kg/con, giá hơn 5 triệu đồng/ con. Anh Bình đã làm hồ sơ thông tin về việc gây nuôi và được Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cấp phép, mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cầy vòi hương.

Theo anh Bình chia sẻ, nuôi cầy vòi hương không cần diện tích lớn, hệ thống chuồng nuôi anh xây dựng chỉ 50 m2 ngay trên phần đất vườn của gia đình. Quan trọng thiết kế chuồng theo tiêu chuẩn, cầy vòi hương là động vật hoang dã, chuồng nuôi phải xây kiên cố, có cửa bao lưới sắt chắc chắn, đảm bảo điều kiện an toàn cho người, vật nuôi; đặc biệt anh chia chuồng thành những ô riêng biệt, mỗi ô nuôi một con, để cầy vòi hương không tấn công nhau gây thương tích.

Mỗi ô như thế dài khoảng 60 cm; cao, rộng 90 cm, phù hợp từ thời kỳ cầy vòi hương con đến trưởng thành. Về thức ăn của loài vật nuôi này có hoa quả, chủ yếu quả chuối và thêm cá, phụ phẩm gà… Cầy vòi hương dùng lượng thức ăn ít nên tính ra chi phí chỉ từ 3.000 – 4.000 đồng/ con/ngày.

“Nuôi cầy vòi hương mất khá nhiều thời gian bởi phải dọn dẹp, vệ sinh chuồng hằng ngày để môi trường khô ráo, sạch sẽ tránh dịch bệnh. Một lưu ý nữa là cầy vòi hương dễ mắc bệnh về đường ruột do đó cần bổ sung đầy đủ lượng men tiêu hóa. Còn về cơ bản, loài động vật này không khó nuôi, thích ứng với khí hậu địa phương, mùa hè chịu nóng tốt, mùa đông chỉ cần lắp đặt hệ thống đèn sưởi giữ ấm”, anh Bình cho hay.

Từ những con giống ban đầu, được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, đàn cầy vòi hương tại cơ sở của anh Bình sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh. Sau 1 năm đã tăng lên 3 – 3,5 kg/con.

Đặc biệt, tuy trong điều kiện nuôi nhốt nhưng khả năng sinh sản của cầy vòi hương giống đạt tiêu chuẩn, 1 cầy vòi hương mẹ sinh được 4 cầy vòi hương con. Đàn cầy vòi hương giống anh Bình nhập nuôi đã sinh sản thêm 32 con, nâng tổng số đàn lên 48 con. Cầy vòi hương con sinh ra được nuôi dưỡng thêm 3 tháng đã có thể xuất bán.

Thấy anh Bình nuôi cầy vòi hương hiệu quả, nhiều người đã tìm đến học hỏi, mua giống. Cuối tháng 12/2022, anh Bình xuất bán 10 con giống ra tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, giá 5 triệu đồng/ con. Hiện tại cơ sở của anh còn 16 cầy vòi hương bố mẹ, trọng lượng trung bình khoảng 4 kg/con, giá thị trường 2,1 triệu đồng/kg.

 

“Nhu cầu mua cầy vòi hương thương phẩm và con giống đều cao, nhiều nơi liên hệ với tôi muốn thu mua. Tuy nhiên, do số lượng cầy vòi hương tại cơ sở chưa nhiều nên tôi quyết định giữ lại nhằm chủ động nguồn giống hướng đến phát triển đàn.

Được địa phương tạo điều kiện, tôi cũng đang hoàn thiện hồ sơ vay vốn thêm gần 100 triệu đồng tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi để thêm 1 – 2 năm nữa cơ sở sẽ vừa cung cấp cầy vòi hương thương phẩm và con giống”, anh Bình chia sẻ thêm.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh Lê Văn Linh cho biết: “Đối với cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm của anh Bình, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh thường xuyên kiểm tra, theo dõi, quản lý hoạt động theo từng tháng và kết thúc mỗi mùa sinh sản. Cơ sở đã tuân thủ đúng về nguồn gốc con giống nhập, đáp ứng điều kiện nuôi, xuất bán theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, nhiều cơ sở ở các địa phương quan tâm đến nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cần lưu ý khi đầu tư nuôi vì mục đích thương mại, phải tìm hiểu các quy định của pháp luật, đồng thời nắm chắc kiến thức về quy trình, kỹ thuật nuôi nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập một cách bền vững”.

Nguyễn Trang

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *