Thành công từ mô hình nuôi thỏ theo hướng khép kín

“So với chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao và không tốn nhiều công chăm sóc” – đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hải Nam ở thôn Thượng (xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) khi nói về mô hình nuôi thỏ New Zealand của mình. Với sự chăm chỉ, chịu khó, mạnh dạn trong đầu tư chăn nuôi, đến nay, anh thành công với mô hình, thu lãi khoảng 350 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi thăm khu chăn nuôi thỏ rộng hơn 700 m2 gồm khu vực riêng biệt: khu nuôi thỏ bố mẹ, khu nuôi thỏ giống và khu nuôi thỏ thương phẩm, anh Nam bộc bạch: “Năm 2018, khi quyết định đầu tư chăn nuôi thỏ tôi chưa bao giờ dám nghĩ bản thân sẽ mở rộng quy mô và phát triển được mô hình kinh tế có tiềm năng như thời điểm hiện tại”. Anh Nguyễn Hải Nam vốn học chuyên ngành về thú y tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, trở về địa phương công tác, anh luôn trăn trở tìm hướng vừa phát triển kinh tế lại vận dụng được kiến thức đã học. Sau một thời gian theo dõi và tìm hiểu qua các kênh thông tin, anh nhận thấy không ít người thành công với nghề nuôi thỏ New Zealand và giống thỏ này có thể nuôi được tại xã Cảnh Hưng quê anh. Với số vốn ban đầu khoảng hơn 20 triệu đồng, anh mua 40 cặp thỏ bố mẹ về nuôi. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, anh tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại lá cây, rau và cỏ quanh nhà để làm thức ăn cho thỏ. Hàng ngày, anh ghi chép lại quá trình phát triển cũng như chu kỳ sinh sản của thỏ để đưa ra cách chăm sóc tốt nhất. Để có thêm kinh nghiệm thực tế, anh Nam không ngại tìm đến các cơ sở chăn nuôi thỏ trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm về kỹ thuật chăm sóc thỏ tùy theo giai đoạn.

nuôi thỏ

Anh Nguyễn Hải Nam (thứ 2 từ trái qua) giới thiệu về kỹ thuật chăm sóc thỏ

Thành công từ lứa thỏ đầu tiên giúp anh Nam có thêm động lực mở rộng quy mô chăn nuôi của mình. Đầu năm 2020 anh mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại với diện tích khoảng 720 m2 và mua 100 con thỏ nái. Chuồng trại được lắp đặt hệ thống tự động làm mát, cách nhiệt, quạt thông gió, đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển. Đặc biệt, để thỏ đạt chất lượng cao, anh luôn chú ý đến việc đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ  được chăm sóc đúng quy trình, đàn thỏ phát triển nhanh, đảm bảo đúng thời gian sinh sản và xuất chuồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thỏ, anh Nam cho biết: Nuôi thỏ tuy ít dịch bệnh hơn các loại gia súc, gia cầm khác, nhưng kỹ thuật nuôi thỏ đòi hỏi nhiều khâu tỉ mỉ. Ngoài thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thỏ nuôi còn phải tiêm phòng để hạn chế bệnh. Khâu quan trọng nhất giai đoạn chăm sóc “vỗ béo” cho thỏ giống, biết phối giống cho thỏ cái và kỹ thuật chăm sóc ban đầu cho thỏ con. Thông thường thỏ cái nuôi đến tháng thứ 6 sẽ bắt đầu mang đi phối giống. Mỗi năm thỏ đẻ từ 8 đến 9 lứa, mỗi con thỏ cái có thể đẻ từ 5 đến 10 con/lứa. Sau thời kỳ đẻ phải chăm sóc cho thỏ ăn nhiều hơn để chúng lấy sữa nuôi con. Nuôi khoảng 15 đến 20 ngày, thỏ con được tách ra lồng nuôi riêng. Thời gian nuôi thỏ con từ lúc đẻ đến khi được xuất chuồng mất 3 tháng sẽ đạt trọng lượng 2,2 đếm 2,4 kg/con. 

Đến nay anh Nam đã có trong tay 290 con bố mẹ, 1.200 con thỏ thương phẩm. Mỗi tháng từ trang trại của anh cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các khu vực lân cận như Hà Nội, Hưng Yên khoảng 150 con thỏ. Ước tích doanh thu mỗi năm từ trang trại nuôi thỏ của anh đạt khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi khoảng 350 – 400 triệu đồng.

Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Hải Nam đã thành công với mô hình nuôi thỏ, trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã Cảnh Hưng. Thời gian tới, anh Nam dự định kết hợp và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với các hội viên nông dân có nhu cầu để tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi thỏ phù hợp điều kiện kinh tế ở địa phương.

N. Hoa

Nguồn: Báo Bắc Ninh
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *