Thái Nguyên: Thu giữ nhiều sản phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc

(Người Chăn Nuôi) – Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra và phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. 

Mới đây, ngày 27/4, Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra cơ sở kinh doanh T.V.T, địa chỉ huyện Đại Từ, phát hiện, buộc tiêu hủy 17.500 sản phẩm thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở này đang kinh doanh 17.500 sản phẩm gồm: xúc xích, chân gà, cánh gà, ớt bột nhập lậu; tổng trị giá hàng hóa gần 30 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên ngoài vỏ có chữ bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

thực phẩm không nguồn gốc

Lực lượng chức năng Thái Nguyên thu giữ sản phẩm xúc xích không có nhãn phụ tiếng Việt. Ảnh: ST

Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng; không có tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối; hàng hóa chưa được cấp phép lưu thông trên thị trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản, ban hành Quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh T.V.T về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, với số tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 25/4, Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên) đã tiến hành kiểm tra đột xuất 3 kho thực phẩm đông lạnh tại TP Thái Nguyên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ tổng cộng 649kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, tại kho hàng của chị Nguyễn Thị Thanh S (tổ 10, phường Tân Thịnh), lực lượng chức năng phát hiện 8 mặt hàng đông lạnh như chân gà rút xương, kê gà, trứng gà non, nầm lợn, cua xay… không có hóa đơn chứng từ, không có thông tin nhà sản xuất hay nơi xuất xứ. Tổng số hàng hóa vi phạm có trọng lượng hơn 250 kg, trị giá khoảng 29 triệu đồng.

Tiếp đó, tại kho của hộ kinh doanh Trần Thị H (tổ 8, phường Tân Lập), đoàn kiểm tra phát hiện 169 kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, bao gồm chân gà rút xương, trứng gà non, cánh gà và chân châu nhân dừa, với tổng trị giá khoảng 13 triệu đồng.

Tại điểm kiểm tra thứ ba, kho hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Thị N (tổ 5, phường Thịnh Đán), lực lượng chức năng thu giữ 4.000 chiếc nem chua, 200 kg chân gà và 30 kg nầm lợn đông lạnh, toàn bộ đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Toàn bộ số thực phẩm tại các cơ sở trên được đóng gói trong thùng carton, thùng xốp, bao bì không có nhãn mác, không ghi rõ đơn vị sản xuất hay xuất xứ. Qua lời khai ban đầu, các chủ cơ sở thừa nhận đã mua hàng trôi nổi trên thị trường để bán lại kiếm lời, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội tỉnh và các địa phương lân cận.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản xử lý, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, đồng thời tiến hành các thủ tục để tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Các vụ việc trên là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc vẫn đang len lỏi vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người dân. Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm tuân thủ nghiêm quy định về an toàn thực phẩm.

Minh Khuê

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *