Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, thời tiết thường rét đậm, có nơi nhiệt độ xuống thấp 9 – 10 độ C, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trước tình hình trên, ngành chức năng của tỉnh cùng các hộ chăn nuôi đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo duy trì ổn định sản xuất.
Để bảo vệ đàn trâu của gia đình, ngay từ những ngày đầu mùa Đông, chị Đặng Thị Hưng, ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã dùng bạt quây xung quanh chuồng nhằm tránh gió lùa và giữ nền chuồng luôn khô ráo. Ngoài ra, chị Hưng còn trồng cỏ voi để làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn trâu trong những ngày giá rét.
Chị Hưng chia sẻ: 5 con trâu là tài sản lớn của gia đình chúng tôi. Vì thế, trong trường hợp nhiệt độ xuống thấp, tôi đốt lửa sưởi ấm. Đồng thời, bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn thô để giúp đàn trâu phát triển khỏe mạnh.
Chị Đặng Thị Hưng, ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) dùng bạt quây xung quanh chuồng nhằm chống rét cho đàn trâu.
Nói về công tác chống rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, thông tin: Để chủ động ứng phó với tình trạng rét đậm, rét hại, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, thủy sản. Trong đó, chúng tôi hướng dẫn bà con chú trọng các biện pháp như: tu sửa chuồng trại, làm áo khoác ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi; dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu ổ dịch. Đặc biệt, khuyến cáo người dân cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã tận dụng diện tích đồi bãi để trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét.
Thái Nguyên hiện có 89 nghìn con trâu, bò; 590 nghìn con lợn và số lượng đàn gia cầm là 15,8 triệu con. Để hạn chế những tác động bất lợi do thời tiết gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Cùng với đó, các huyện đã thành lập đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh; đặc biệt là ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số – nới bà con vẫn có thói quen chăn thả gia súc. Chính quyền các xã cũng tiến hành phổ biến và hướng dẫn hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo điều kiện vệ sinh và phòng, chống đói rét; chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, cỏ khô); tổ chức trồng cỏ, ngô dày trên diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất hoang để dự trữ làm thức ăn cho đàn vật nuôi; vận động bà con di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, thả rông về chỗ nuôi nhốt và không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi rét hại xảy ra.
Song song với đó, các đơn vị, địa phương tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, tăng cường công tác giám sát đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, hiệu quả; tổ chức rà soát, thống kê số gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng; tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tích cực tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi và tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành tiêm phòng bắt buộc cho đàn vật nuôi theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản, khuyến cáo: Do thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp nên bà con tuyệt đối không được chủ quan mà cần áp dụng đầy đủ các biện pháp chống rét cho vật nuôi. Cụ thể, đối với trâu, bò, bà con nên gia cố, che chắn chuồng trại và đưa trâu, bò về nuôi nhốt ở nơi khô, ráo; không thả rông trong rừng núi, không chăn thả ngoài trời, bãi chăn thả tập trung, không cho trâu, bò làm việc khi nhiệt độ dưới 12 độ C.
Đối với lợn, bà con không phun nước cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; cho lợn ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng và tiêm vắc-xin đầy đủ. Đối với đàn gia cầm, bà con bổ sung thêm bóng đèn điện để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại; cung cấp thức ăn đủ chất và lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi; cho vật nuôi uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường, các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hoá, điện giải… để nâng cao sức đề kháng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong những ngày tới, thời tiết có khả năng tiếp tục xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại. Vì vậy, để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngoài việc giữ ấm, cơ quan chức năng khuyến cáo bà con cần cho vật nuôi ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng. Cùng với đó, tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn vật nuôi, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi định kỳ, xử lý tốt chất thải chăn nuôi để đề phòng dịch bệnh xảy ra, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất lợi có thể gây ra trong mùa Đông.
Lương Hạnh
Nguồn: Báo Thái Nguyên