Hiện nay, Thái Nguyên có 116 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Để thực hiện thành công mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGAP và an toàn dịch bệnh, các cơ sở này đã đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất, quy mô, điều kiện chuồng trại, con giống và nguồn gốc con giống, thức ăn và sử dụng thức ăn, quản lý đầu vào thuốc và hóa chất, quy trình phòng, trị bệnh, an toàn vệ sinh thú y…
Hợp tác xã Chăn nuôi xanh (phường Lương Sơn, TP. Sông Công) đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, tỉnh đã hình thành và duy trì hoạt động 22 chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi – giết mổ – tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thực hiện công tác quản lý chất lượng và điều kiện sản xuất con giống, hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm (gồm 118 cơ sở sản xuất giống gia cầm, 50 cơ sở sản xuất giống lợn); hỗ trợ tinh lợn góp phần cung cấp con giống đảm bảo nâng cao chất lượng, tăng năng suất, giá trị kinh tế.
Đây cũng chính là những điều kiện cần và đủ để ngành Chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi.
Tùng Lâm
Nguồn: Báo Thái Nguyên