Do một số nguyên nhân, tỷ lệ tái đàn của người dân tại Tây Ninh năm nay giảm so với những năm trước.
Những tháng cuối năm là dịp cao điểm để các hộ chăn nuôi lên kế hoạch tái đàn, đón đầu thị trường tết. Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tái đàn chuẩn bị nguồn cung thực phẩm trong tết. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, tỷ lệ tái đàn của người dân năm nay giảm so với những năm trước.
Không tái đàn do lợi nhuận thấp
Từ đầu năm đến nay, giá heo trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức thấp, trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến cho các hộ chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm lợi nhuận, nhiều hộ không mặn mà tái đàn chuẩn bị nguồn cung cho dịp tết nguyên đán sắp đến.
Ông Võ Văn Hai, ngụ ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên đang nuôi 2 con heo nái và 23 con heo thịt có trọng lượng gần 50kg. Ông Hai cho biết, năm 2021, dịch tả heo châu Phi làm đàn heo gần 30 con (gồm 4 con heo nái và 26 con heo thịt) bị chết khiến gia đình ông thua lỗ gần 50 triệu đồng. Sau khi tiêu huỷ, ông vệ sinh, sát trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, đến tháng 4.2022, ông mới tái đàn.
Một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Ông Hai hy vọng trong dịp tết nguyên đán sắp tới, đàn heo thịt của gia đình bán được giá cao để có tiền trang trải chi phí đầu tư và đón tết đầy đủ hơn. Theo ông Hai, chi phí đầu tư quá cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 50% so với trước đây, thêm các khoảng chi phí để sát khuẩn chuồng trại định kỳ hằng tuần khiến cho giá thành chăn nuôi gần bằng với giá bán heo hơi, nên lợi nhuận không cao.
Gia đình bà Cao Thị Thuỷ, ngụ ấp Suối Ông Đình, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cho biết gia đình đã bỏ trống khu chuồng từ đầu năm 2022, vì giá heo hơi có lúc xuống dưới 50.000 đồng/kg, hiện nay, giá heo xuất chuồng cũng chỉ ở mức dao động từ 54.000 đồng – 56.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi gần như không có lãi. Tổng các chi phí thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, điện nước để vệ sinh chuồng trại, người chăn nuôi phải đầu tư trên 5 triệu đồng cho một con hen đến xuất chuồng, chưa tính công chăm sóc. Nếu làm vệ sinh chuồng trại định kỳ theo đúng khuyến cáo của ngành Thú y thì số tiền bỏ ra sẽ tăng cao hơn.
Giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Những năm trước, trong chuồng heo nhà bà Thủy luôn có 6 con heo nái và khoảng 40 con heo thịt, nhưng do dịch tả heo châu Phi “càn quét” trong năm 2021, cộng với những khó khăn kể trên nên bà quyết định tạm ngưng nuôi.
Theo các hộ chăn nuôi tại huyện Châu Thành, giá heo hơi bán tại các trại chăn nuôi dao động từ 56.000 – 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Trong khi chi phí đầu tư 1kg heo hơi trung bình khoảng 55.000 đồng.
Một số chủ trang trại chăn nuôi chia sẻ, từ đầu năm đến nay, giá heo có nhiều đợt biến động theo chiều hướng ngày càng giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có lên chứ không xuống, khiến người chăn nuôi e ngại, không dám tái đàn.
Chủ một trang trại heo tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành cho biết, lứa heo tết năm nay, trại heo của gia đình dự kiến xuất chuồng khoảng 150 con. Chăn nuôi quy mô trang trại nên ông được mua thức ăn chăn nuôi ở đại lý cấp 1, giá mỗi bao rẻ hơn thị trường đến 10.000 đồng, con số tiết kiệm không lớn, nhưng vì chăn nuôi số lượng nhiều, tính ra ông vẫn còn chút lợi nhuận. Với giá thành chăn nuôi như hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rất khó cầm cự.
Bảo đảm nguồn cung
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến đầu tháng 11.2022, ước tính tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh khoảng 9.600 con trâu, bằng 97,5% so cùng kỳ năm 2021; 103.000 con bò, bằng 106,2% so cùng kỳ; 230.000 con heo, bằng 111,9% so cùng kỳ năm 2021 và khoảng 8.995.000 con gia cầm các loại, bằng với cùng kỳ. Nguồn cung từ các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh đủ đáp ứng nguồn thịt cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 60 cơ sở chăn nuôi (22 cơ sở chăn nuôi gà, 38 cơ sở chăn nuôi heo) được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.
Giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm ổn định từ sau dịp tết nguyên đán, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Tính đến đầu tháng 11.2022, giá cả một số loại thịt trên địa bàn tỉnh như sau: thịt trâu, bò hơi 80.000 đồng/kg (ổn định); thịt heo hơi 57.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg); gà công nghiệp (thịt hơi) 33.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg), thịt vịt hơi 36.000 đồng/kg (giảm 4.000 đồng/kg).
Giá heo thịt hiện ngang bàng với giá thành sản xuất.
Hiện, ngành Thú y đã triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại huyện Dương Minh Châu và 3 cơ sở được chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch thuộc huyện Gò Dầu; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lở mồm long móng tại 6 xã: Long Khánh, Long Phước, Long Giang, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận của huyện Bến Cầu. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 59 cơ sở chăn nuôi gà, 12 cơ sở chăn nuôi heo và 2 cơ sở chăn nuôi bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức 2 đợt tiêm vaccine phòng một số loại bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đạt 339.147 liều. Triển khai 4 đợt vệ sinh, sát trùng. Trong đó, tiêu độc sát trùng phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 1.503.050 m2; tiêu độc sát trùng cơ sở giết mổ: 65.630 m2; tiêu độc sát trùng bến bãi, khu cách ly: 800 m2 và tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển: 878 xe ô tô và 106 xe khác.
Ngành chăn nuôi tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, triển khai công tác tiêm phòng bổ sung đối với các đàn vật nuôi mới; giám sát tiêm phòng; giám sát công tác tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi, khu giết mổ tập trung, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.
Thiện Đức
Nguồn: Báo Tây Ninh