Các nhà khoa học Israel mới đây cho biết bổ sung tảo xoắn Spirulina vào chế độ ăn hằng ngày có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, đồng thời góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy tảo xoắn Spirulina có lợi ích cải thiện mức cholesterol và chất béo trung tính, ức chế quá trình ôxy hóa, giảm huyết áp và ổn định đường huyết lúc đói. Ngoài ra, loại tảo này còn được phát hiện có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn và chống ôxy hóa, cũng như có thể giúp điều trị hoặc kiểm soát nhiều vấn đề sức khỏe như từ bệnh nướu răng cho đến trầm cảm.
Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Marine Biotechnology, các chuyên gia tại Đại học Reichman đã so sánh ưu-khuyết điểm giữa thịt bò và tảo xoắn Spirulina. Họ kết luận rằng tảo xoắn Spirulina không chỉ là loại thực phẩm "siêu lành mạnh" cho sức khỏe, mà còn rất thích hợp dùng làm thực phẩm thay thế thịt.
Một số sản phẩm của tảo xoắn.
Ngoài giá trị dinh dưỡng vượt trội như giàu prôtêin, sắt và các axít béo thiết yếu, tảo xoắn Spirulina còn tạo ra “dấu chân sinh thái” nhỏ hơn so với thịt động vật khi đánh giá tác động của cả hai đối với hệ sinh thái.
Cụ thể, các chuyên gia cho biết quá trình chăn nuôi gia súc đòi hỏi phải dùng đến một lượng lớn tài nguyên để nuôi ăn và chăn thả. Sau khi ăn, bò còn ợ hơi và xì hơi, giải phóng khí mê-tan – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm. Ước tính, việc sản xuất 1kg thịt bò sẽ tiêu tốn khoảng 1.450 lít nước và 340m2 đất màu mỡ, trong khi thải ra 100kg khí mê-tan. Và khi dân số gia tăng kéo theo nhu cầu về thịt tăng thêm, mức độ tiêu hao tài nguyên càng nhiều thêm, khiến Trái đất trở nên nóng hơn.
Trong khi đó, các tác giả cho biết việc chuyển sang sản xuất và tiêu thụ tảo xoắn Spirulina có thể giúp loại bỏ đáng kể lượng khí nhà kính khỏi bầu khí quyển và giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu. Nguyên do là tảo xoắn dễ sinh trưởng trong điều kiện nhiệt độ khoảng 30°C và pH từ 8,5 trở lên. Nó là sinh vật tự dưỡng, tức là có khả năng dựa vào quá trình quang hợp và hấp thụ khí carbon dioxide để tự tạo năng lượng sống. Điều này đồng nghĩa cứ mỗi 1kg tảo xoắn Spirulina dùng thay thế thịt bò thì con người có thể cắt giảm gần 100kg khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm 340m2 đất và 1.400 lít nước cho hành tinh.
Các chuyên gia cũng đã tìm hiểu một cơ sở trồng tảo xoắn Spirulina trong các hệ thống khép kín, có kiểm soát, ứng dụng các phương pháp quản lý quang tử tiên tiến, hoàn toàn cách ly với môi trường khắc nghiệt tại Iceland. Họ nhận thấy công nghệ sinh học hỗ trợ trồng tảo xoắn này có khả năng thích ứng với những thay đổi của điều kiện môi trường và khí hậu, cũng như có thể sử dụng được ở những nơi khác trên thế giới.
Theo chuyên gia Asaf Tzachor, đồng tác giả nghiên cứu, an ninh dinh dưỡng, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu có thể song hành với nhau. Ông cho rằng người tiêu dùng có thể bổ sung tảo xoắn vào chế độ ăn thay cho thịt bò, bởi thực vật này lành mạnh hơn, an toàn hơn và bền vững hơn với môi trường. "Bất cứ thay đổi nào chúng ta muốn nhìn thấy trên thế giới nên được thể hiện qua lựa chọn dinh dưỡng hằng ngày” – chuyên gia Asaf Tzachor cho biết.
An Nhiên (Theo Study Finds, Jpost.com)
Nguồn: Báo Cần Thơ