Theo dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng và thuỷ văn Quốc gia, thời gian tới, thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại, vùng núi cao còn xảy ra hiện tượng băng giá. Để tăng cường sức khoẻ cho vật nuôi, giúp vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người chăn nuôi cần quan tâm một số vấn đề sau:
1. Chăm sóc, nuôi dưỡng
Chuồng nuôi phù hợp với đối tượng, lứa tuổi vật nuôi, đảm bảo đủ ấm nhưng vẫn phải đủ thông thoáng, sạch sẽ. Mật độ nuôi hợp lý, đặc biệt chú ý chuồng úm gia súc, gia cầm non. Dùng bóng/chụp sưởi điện là tốt nhất; khi đốt sưởi bằng củi, trấu, mùn cưa, cần có ống dẫn khói lên cao, ra khỏi chuồng nuôi, không để khói vào chuồng nuôi sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ vật nuôi.
Thức ăn đầy đủ, đảm bảo chất lượng và số lượng. Đặc biệt đối với gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, ngựa), dễ bị thiếu thức ăn vì mùa đông, cây, cỏ phát triển chậm. Do đó, người chăn nuôi cần chủ động trồng, dự trữ thức ăn thô xanh như phơi khô, ủ chua cỏ, cây ngô, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Thông thường, lượng thức ăn thô, xanh cần cho 1 gia súc bằng khoảng 10%, lượng thức ăn tinh bằng 1% khối lượng cơ thể. Những gia súc chưa quen ăn thức ăn tinh thì cần cho gia súc ăn ít một, tăng dần đến 1% (trong khoảng 5 – 7 ngày). Khi nhiệt độ xuống thấp hơn 1oC thì nhu cầu năng lượng tăng thêm 1 – 2%. Tuỳ đối tượng vật nuôi, điều kiện thời tiết, có thể điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
* Đối với gia súc, gia cầm nuôi chăn thả hoặc bán chăn thả
Những ngày mưa và rét hoặc nhiệt độ dưới 12oC không nên chăn, thả gia súc, gia cầm nhưng chuồng nuôi đảm bảo đủ diện tích cho vật nuôi vận động.
Đối với gà: Chỉ nên thả vườn (có kiểm soát) sau khi gà được 35 ngày tuổi, nhiệt độ trên 15oC, thời gian thả từ 9h đến 16h khi không có mưa.
Đối với gia súc, khi nhiệt độ trên 12oC, thời gian có thể thả từ 8h đến 16h khi không có mưa, nơi có cây thức ăn. Nên thả gia súc ở những nơi thuận tiện cho việc di chuyển để đề phòng khi gặp thời tiết bất lợi, nơi chăn thả không có các hố to hoặc rãnh sâu. Gia súc cần được giữ ấm bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa chúng ra ngoài, đặc biệt những gia súc yếu và non. Nên có người trông gia súc trong thời gian chăn thả đề kịp thời ứng phó khi có bất lợi.
2. Công tác vệ sinh phòng bệnh
Tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt công tác cách ly, ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và ngược lại. Cách ly và kiểm soát vật nuôi mới nhập về. Mua con giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh và cách ly ít nhất 14 ngày. Hạn chế khách thăm quan, người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động đảm bảo vệ sinh dùng riêng trong khu chăn nuôi, hạn chế đi lại giữa các khu. Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Kiểm soát thức ăn, nước uống. Kiểm soát động vật, côn trùng: Ngăn các động vật khác (chó, mèo, chuột, chim, côn trùng…) vào chuồng nuôi.
Vệ sinh làm sạch chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi là biện pháp rất hiệu quả trong việc thực hiện chăn nuôi an toàn, việc vệ sinh làm sạch giúp loại bỏ trên 80% mầm bệnh tại trại chăn nuôi.
Khủ trừng là một trong 3 nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học, tuy nhiên hiệu quả của việc khử trùng tùy thuộc vào chất lượng của việc vệ sinh làm sạch trước đó. Mục đích khử trùng nhằm loại bỏ những mầm bệnh còn sót lại sau khi đã vệ sinh làm sạch chuồng trại, dụng cụ và thiết bị phục vụ chăn nuôi.
3. Phòng bệnh bằng vắc – xin và tăng cường sức kháng bệnh cho vật nuôi
Chủ động dùng vắc – xin phòng bệnh theo lịch trình hoặc hướng dẫn của cơ quan thú y.
Bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi có yếu tố bất lợi để tăng sức kháng bệnh cho vật nuôi.
Thường xuyên quan sát đàn vật nuôi để sớm phát hiện, cách ly những vật nuôi ốm, yếu ra khỏi đàn; điều trị và xử lý nếu cần thiết.
TS. Nguyễn Thị Liên Hương
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia