Hà Nam: Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Toàn tỉnh hiện nay có khoảng 670 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) nằm trải rộng ở tất cả các địa phương; trong đó có 668 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và 2 cơ sở giết mổ tập trung của Công ty cổ phần tập đoàn Masan (Khu công nghiệp Đồng Văn IV). Công tác kiểm soát giết mổ GSGC mới chỉ thực hiện được ở 2 cơ sở giết mổ tập trung. Điều này, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đồng thời, gây khó khăn trong công tác giám sát, ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, mỗi ngày bình quân trên địa bàn tỉnh giết mổ khoảng 2.000 con lợn và hàng chục nghìn con gia cầm các loại đưa ra thị trường phục vụ tiêu dùng. Như vậy, lượng thịt GSGC đưa ra thị trường mỗi ngày khá lớn, lên đến cả trăm tấn. Về nguồn cung GSGC giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khá đa dạng, được mua trong hộ dân tại địa phương hoặc vận chuyển từ nơi khác về hay nhập tại Chợ đầu mối GSGC Hà Nam (xã Bối Cầu – Bình Lục)…

Được biết, trước đây (từ năm 2018 trở về trước) công tác kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh được triển khai ở hầu hết các địa phương. Phần lớn sản phẩm thịt GSGC tại các cơ sở giết mổ cung cấp cho các chợ trung tâm vùng và tại thành phố, thị trấn, thị xã đều được kiểm soát giết mổ. Công tác kiểm soát giết mổ được giao cho cán bộ thú y xã dưới sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc của Trạm thú y. Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ được đóng dấu kiểm dịch.

Cơ sở giết mổ tập trung của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (KCN Đồng Văn IV).

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, khi Trạm thú y chuyển về các địa phương và thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thiếu nhân lực, nên không thể triển khai được đến tận cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật chỉ được đơn vị thực hiện tại 2 cơ sở tập trung của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan mỗi năm hơn 158 nghìn con lợn và 4 triệu con gia cầm (gà). Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trách nhiệm chính trong công tác quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện nay được giao cho chính quyền địa phương thực hiện theo quy định tại điều 76 Luật Thú y. Về phía ngành cũng đã triển khai hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý; tập huấn, phổ biến kiến thức cho cán bộ, nhân viên thú y xã và chủ cơ sở giết mổ.

Bên cạnh đó, hiện nay, do nhiều nguyên nhân nên công tác kiểm soát giết mổ còn bị buông lỏng, dẫn đến việc một số cơ sở giết mổ chưa đáp ứng các quy định của pháp luật; chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác quản lý hoạt động các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành cam kết về bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm của các cơ sở giết mổ; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; nhất là, đối với  hành vi giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, giết mổ động vật ốm, chết. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn của Ngành Nông nghiệp như: Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Chi cục Chăn nuôi và Thú y… tăng cường kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm chất lượng thịt động vật tiêu thụ trên thị trường; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, lực lượng giám sát và thú y cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, thẩm định, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ động vật đủ điều kiện theo quy định… Về lâu dài, các địa phương thực hiện quy hoạch những khu tập trung giết mổ động vật, thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát giết mổ GSGC.

Yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao, nhất là đối với các sản phẩm từ động vật. Việc tăng cường thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ giúp nguồn thực phẩm được kiểm soát tốt, bảo đảm chất lượng trước khi đưa ra thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe  người tiêu dùng và ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển.

Bài và ảnh: Mạnh Hùng

Nguồn: Báo Hà Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *