(Người Chăn Nuôi) – Sau Tết Nguyên đán, một lượng lớn gia cầm đã được tiêu thụ, giá gia cầm có xu hướng tăng nhẹ…, đây là tín hiệu đáng mừng để thúc đẩy tái đàn sản xuất. Song người chăn nuôi hiện lại khá dè dặt trong tái đàn bởi “chưa kịp mừng đã vội lo” khi giá thức ăn lại tiếp tục tăng cao, thời tiết bất lợi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi…
Thị trường “ấm” dần lên
Một chủ trại gà quy mô hơn 1.000 con/lứa tại Phú Yên cho hay: “Năm nay, thị trường gà Tết trầm lắng, sức tiêu thụ không tăng nên các trại nuôi gà hầu như không thể xuất bán hết, trại nào cũng còn vài trăm con. Trại gà gia đình tôi tồn lại khá nhiều. Tuy nhiên, từ mùng 2 Tết đến nay, nhu cầu tiêu dùng gà thịt tăng mạnh nên tôi đã xuất hết hàng tồn”.
Không chỉ sức tiêu thụ tăng, mà giá gà thịt sau Tết cũng tăng khá. Trước Tết, gà chỉ bán được giá 62.000 đồng/kg thì sau Tết là 65.000 đồng/kg hơi tại chuồng. Nhờ giá tăng nên người nuôi cũng bớt khó.
Ảnh: Vector
Khảo sát giá gà ngày 2/3, một số chủ trang trại chăn nuôi ở các tỉnh miền Bắc cho biết, giá gà công nghiệp tại các trại gia công tăng lên khoảng trên dưới 1.000 đồng/kg. Giá gà lông trắng loại từ 3,3 kg/con bán buôn ở các trại tại Bắc Giang, Thái Nguyên… từ 31.000 – 32.000 đồng/kg. Giá gà trắng bán tại các trại phía Nam phổ biến 25.000 – 27.000 đồng/kg. Giá gà lông màu bán buôn cho thương lái ở các vùng Đồng Nai, Long An, Cà Mau… từ 43.000 – 47.000 đồng/kg. Giá gà ta Minh Dư bán tại các vùng Bình Dương, Cần Thơ… cao nhất đạt 65.000 đồng/kg. Giá gà thả vườn loại 1 trên 4 tháng tuổi bán tại trại ở Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái… dao động trên dưới 85.000 đồng/kg.
Còn với giá vịt, giá vịt ngày 2/3 bán buôn tại trại ở Hà Nam, Ninh Bình… cao nhất 36.000 đồng/kg vịt bầu lai; Vịt bơ 30.000 đồng/kg. Giá vịt siêu thịt bán tại các vùng phía Nam vẫn duy trì ở mức trên dưới 36.000 đồng/kg. Giá vịt trời bán buôn ở các vùng 75.000 – 80.000 đồng/kg…
Vẫn dè dặt tái đàn
Thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi đều rục rịch tái đàn để duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) lại đang tăng cao, người chăn nuôi đang khá thận trọng, chủ yếu “vừa làm vừa nghe ngóng”, không tái đàn ồ ạt.
Ông Phạm Văn Hùng, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, Long An cho biết, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, gia đình ông đã xuất bán lứa gà gần 3.000 con, thua lỗ gần 50 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông đã vệ sinh hệ thống chuồng trại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho lứa nuôi mới. Tuy nhiên, ông Hùng dự tính chỉ nuôi cầm chừng khoảng 1.000 con, sau đó tùy vào tình hình mới tiếp tục nhân rộng.
Ông Hùng chia sẻ: “Người chăn nuôi thường tập trung tái đàn từ tháng 1 – 3. Song, đây là thời điểm giao mùa, các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dễ phát sinh cộng thêm giá TĂCN vẫn ở mức cao nên ngoài nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, việc quan trọng là tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Dù chuẩn bị rất kỹ cho lứa nuôi mới nhưng để tránh rủi ro, tôi không chọn tái đàn ồ ạt mà trước mắt chỉ nuôi cầm chừng, nếu thấy ổn thì mới tăng đàn”.
Hiện, người chăn nuôi gia cầm đang khá cẩn trọng khi tái đàn – Ảnh: CTV
Tương tự, anh Nguyễn Văn Trọng, xóm Đồng Bầu, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên cũng “vừa làm vừa nghe ngóng”. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trang trại của anh Trọng xuất bán trên 2.000 con gà thịt. Với giá bán 85.000 đồng/kg, anh Trọng thu lãi trên 40 triệu đồng. Anh Trọng cho biết: Hiện, trong chuồng của nhà tôi vẫn còn 4.000 con gà.
“Với thời tiết mưa ẩm, rét đậm, rét hại như hiện nay, tôi chỉ tập trung chăm sóc đàn gà khỏe mạnh chứ cho chưa kế hoạch tái đàn vì lo ngại dịch bệnh, thời tiết. Đến đầu tháng 3, khi thời tiết ấm hơn, tôi sẽ vào đàn khoảng 1.000 con gà, giảm một nửa so mọi năm vì giá thức ăn tăng cao và dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp”, anh Trọng nói thêm.
“Chóng mặt” với giá thức ăn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 12/2, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết: Nếu giá TĂCN tăng 300 đồng/kg thì giá thành chăn nuôi gà công nghiệp sẽ tăng hơn 500 đồng/kg. Trong năm 2021 giá TĂCN được hầu hết doanh nghiệp cung ứng điều chỉnh tăng liên tục với tổng số lần tăng 7 – 8 lần và tổng mức tăng khoảng 30% (tương ứng 3.000 – 4.000 đồng/kg) so với năm 2020. Sau nhiều đợt tăng giá, hiện giá TĂCN lên mức phổ biến 12.000 – 13.000 đồng/kg tùy loại. Thức ăn chiếm khoảng 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất nên khi giá bán mặt hàng này tăng liên tục khiến giá thành chăn nuôi gà công nghiệp hiện ở mức cao với 26.000 – 28.000 đồng/kg, trong khi giá gà xuất bán thời gian qua thường xuyên ở mức thấp khiến nhiều người nuôi thua lỗ nặng, giảm đàn 20 – 30%. Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ |
Mới đây nhất, TĂCN lại có kỳ điều chỉnh tăng giá khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tại kỳ điều chỉnh giá gần nhất (từ ngày 15 – 18/2), các công ty TĂCN đồng loạt tăng thêm 200 – 300 đồng/kg. Theo đó, tổng mức tăng sau 11 lần điều chỉnh giá là 40% (tăng thêm 4.000 đồng/kg) so năm 2020. Và theo chủ đại lý cấp 1 của các công ty TĂCN thì bắt đầu từ tháng 3 này sẽ có kỳ điều chỉnh tăng giá mới, theo đó, mỗi kg TĂCN có thể tăng thêm 300 – 500 đồng/kg. Điều này trái với kỳ vọng của người chăn nuôi sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN. Cụ thể, kể từ ngày 30/12/2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.
Chủ một đại lý kinh doanh TĂCN ở Nghệ An cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất bị đẩy lên cao kéo giá TĂCN tăng lên. Theo thông báo mới nhất thì sẽ áp dụng mức giá mới theo kỳ điều chỉnh tăng tiếp theo vào đầu tháng 3 này. TĂCN liên tục tăng giá khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, việc kinh doanh của các đại lý như chúng tôi vì thế cũng ế ẩm hơn. Với lại, người chăn nuôi thường mua nợ, đến khi xuất bán mới trả tiền trong khi giá cám liên tục tăng nên chúng tôi cũng phải tính lãi đối với khoản nợ này”.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết, sau Tết Nguyên đán, giá một số mặt hàng nguyên liệu đã tăng 5 – 6%, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán sản phẩm.
“Để sản xuất TĂCN hỗn hợp cần rất nhiều nguyên liệu, song chỉ một số mặt hàng được giảm thuế, chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu giá thành sản xuất. Chưa kể, doanh nghiệp đang phụ thuộc tới 85% nguyên liệu nhập khẩu”, ông Hiếu nói.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 2 tháng qua, giá nguyên liệu sản xuất TĂCN thế giới liên tục tăng cao khiến giá trong nước tăng theo. Trước biến động của tình hình chính trị trên thế giới, dự báo giá mặt hàng này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá nguyên liệu sản xuất TĂCN thế giới tiếp tục tăng cao so tháng 12/2021, trong đó dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ, đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ 4 trên thế giới) có tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới. Cùng với đó là lạm phát của thế giới dự báo tăng cao, chi phí logistics tăng mạnh do giá xăng dầu tăng, giá thuê container hiện đang ở mức cao.
Giá TĂCN đang tăng quá cao, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là nuôi heo và gà, theo đó, các ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ, giảm giá để ổn định hoạt động sản xuất của người dân. Đó là mong mỏi chung của tất cả người chăn nuôi vào lúc này.
Theo Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 265 nhà máy sản xuất TĂCN, trong đó sản lượng lớn tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Phương Ngọc