(Người Chăn Nuôi) – Vừa qua, các nhà khoa học tại Trường Đại học Purdue (Mỹ) đã thử nghiệm sản xuất vaccine bằng vật liệu sinh học làm từ ngô ngọt. Đây là cơ sở để ngành thú y thế giới sản xuất vaccine an toàn cho vật nuôi.
Theo GS Harm HogenEsch thuộc Khoa Thú y, và PGS Yuan Yao, Khoa Nông nghiệp, vật liệu sinh học từ ngô ngọt để sử dụng như một tá dược trong vaccine cho vật nuôi. Tá dược là những chất được thêm vào vaccine để kích thích phản ứng miễn dịch và cải thiện hiệu quả của vaccine.
Giáo sư Harm HogenEsch và Giáo sư Yuan Yao cùng sản phẩm ngô ngọt không biến đổi gen dùng để sản xuất vaccine.
Thông thường, sản xuất vaccine trong chăn nuôi thường dùng một số loại tá dược như nhũ tương dầu và nhôm. Tuy nhiên, hai loại tá dược này lại có khá nhiều nhược điểm như độ phân hủy kém và có thể gây ra một phản ứng viêm kéo dài tại vị trí tiêm, và gây ra nhiều vấn đề đối với vật nuôi làm thực phẩm. Theo GS Harm HogenEsch, các vật liệu sinh học chiết xuất từ ngô có thể khắc phục những vấn đề này một cách bền vững.
Vật liệu sinh học bổ trợ vào vaccine đang được các nhà nghiên cứu tiến hành trên các giống ngô tự nhiên, không bị biến đổi gen. Vật liệu này có kích thước nano và có thể tiêu hóa nhanh giống tinh bột và kích thích sự tương tác với các tế bào miễn dịch.
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ phối hợp với các công ty sản xuất vaccine cho gia súc, gia cầm tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ để sớm có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.