Ngày 31/10, đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì hội nghị đối thoại về xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025.
Dự đối thoại có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới điểm cầu các huyện trong tỉnh.
Hội nghị đối thoại của Chủ tịch HĐND tỉnh về xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Kết luận số 703-KL/TU ngày 30/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 156/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 thông qua Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến tổ chức đầu tháng 12/2023), HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các huyện trong tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tiến độ xây dựng dự thảo Nghị quyết; báo cáo tiếp thu, thông tin, giải đáp ý kiến tham gia, kiến nghị của các huyện đã được tổng hợp trước hội nghị.
Theo Dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là các tổ chức chăn nuôi đại gia súc quy mô từ 30 con trở lên; cá nhân, hộ chăn nuôi đại gia súc có quy mô từ 10 con trở lên tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn; quy định hỗ trợ 240.000 đồng/m2 để mua giống trồng cỏ đầu năm, mức hỗ trợ không quá 180 triệu đồng/tổ chức, tương ứng 150.000 m2; 60 triệu đồng/hộ dân, tương ứng 50.000 m2; hỗ trợ mua vật tư, gồm cám gạo, chế biến thức ăn, mức hỗ trợ không quá 180 triệu đồng/tổ chức, tương đương 180 tấn; 60 triệu đồng/hộ dân, tương đương 60 tấn.
Số lượng hỗ trợ tối đa tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023-2025 là 1.000 tấn. Về hỗ trợ hướng dẫn thực hiện, mức hỗ trợ đối với trồng cỏ là 300.000 đồng/10.000 m2, đối với chế biến thức ăn là 200.000 đồng/tấn.
Các đại biểu nhất trí cao với dự thảo nghị quyết trình tại hội nghị, đồng thời, đề xuất các nội dung liên quan đến đối tượng áp dụng chính sách, tăng diện tích hỗ trợ trồng cỏ tối đa, tăng mức hỗ trợ trồng cỏ và chính sách hỗ trợ công tác triển khai thực hiện. Bổ sung một số giải pháp triển khai thực hiện, như: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi; tổ chức tập huấn; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận liên quan đến chăn nuôi; tiếp tục triển khai mô hình chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật; hỗ trợ các hộ gia đình tham gia liên kết sản xuất, các hộ chăn nuôi vay vốn…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Hưng đề nghị UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành chức năng và Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát các quy định về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc của Trung ương, của tỉnh để chính sách không chồng chéo. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến tham gia tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và các tài liệu có liên quan, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, nguồn lực của địa phương; đảm bảo quy trình, thủ tục, thời gian theo quy định để trình Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Các Ban của HĐND tỉnh nghiên cứu, thẩm tra dự thảo Nghị quyết theo quy định; cung cấp thông tin đa chiều về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để HĐND tỉnh thảo luận, quyết định. Thường trực HĐND, UBND các huyện tiếp tục tổng hợp ý kiến tham gia của các đối tượng thụ hưởng chính sách gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước khi HĐND tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết…
Nguyễn Yến