Sơn La: Hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi

Khai thác tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống nhân dân.

Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi sang phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Huyện lồng ghép các chương trình, dự án về giảm nghèo, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chủ động lựa chọn con giống tốt; đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố; ứng dụng các kỹ thuật trong chăn nuôi để phát triển đàn gia súc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường, mang lại giá trị kinh tế.

chăn nuôi gia súc

Nhân dân xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên phát triển chăn nuôi gia súc.

Xã Phiêng Ban có gần 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Cùng với gieo trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: ngô, sắn, lúa nước, lúa nương, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân các bản tận dụng những diện tích đất bỏ hoang, đất nương trồng cỏ voi; tận dụng các loại phụ phẩm sau thu hoạch làm thức ăn cho đàn gia súc; vận động nhân dân xây dựng chuồng trại kiên cố, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc đầy đủ, để hạn chế, kiểm soát dịch bệnh.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, gia đình anh Mùa A Sang, bản Phiêng Ban, xã Phiêng Ban đã đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi trâu bò, nhốt chuồng. Anh Sang, nói: Gia đình đầu tư trồng gần 2 ha cỏ voi, tìm mua các loại giống trâu bò to, khỏe về  lai  tạo, sinh sản rồi nuôi nhốt chuồng theo hướng hàng hóa, xuất bán 2 lần/năm. Giờ đây, gia đình tôi đang nuôi 10-15 con trâu, bò, đem lại doanh thu trên 150 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình đã thoát nghèo, trả được vốn vay ngân hàng.

Bà Lò Thị Diêng, Chủ tịch UBND xã Phiêng Ban, chia sẻ: Hiện nay, xã có trên 5.800 con gia súc các loại; trong đó, trên 500 con trâu, 2.075 con bò, 246 con ngựa, hơn 2.000 con lợn và gần 1.000 con dê, đem lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 25%.

Tại xã Song Pe, cũng đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ông Hoàng Văn Quyền, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chanh, cho biết: Chúng tôi vận động nhân dân tận dụng đất dọc các con suối và đất sát sông Đà có nhiều nguồn nước, tích cực mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn phục vụ chăn nuôi trâu, bò, dê nhốt chuồng. Đến nay, bản có gần 10 ha cỏ voi; duy trì và phát triển gần 2.000 con gia súc các loại, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bản có 78 hộ, giờ chỉ còn 10 hộ nghèo và cận nghèo.

Giàu lên từ chăn nuôi tại bản Chanh, xã Song Pe, anh Đinh Văn Thưởng, chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu thị trường, gia đình tôi đã vay vốn, xây dựng chuồng trại kiên cố, đồng thời, mở rộng diện tích trồng cỏ voi, trồng thêm ngô, sắn làm thức ăn dự trữ cho đàn dê về mùa khô. Vì vậy, đàn dê gần 200 con luôn được duy trì, phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình hơn 180 triệu đồng/năm.

Hiện nay, huyện Bắc Yên có trên 80.000 con trâu, bò, lợn, dê và ngựa. Phát triển chăn nuôi, các hộ nghèo không chỉ có việc làm, còn có từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện từ 4-5%/năm. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, đến hết năm nay sẽ trồng mới 100 ha cỏ voi, nâng diện tích lên 1.200 ha. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Yên có trên 100.000 con gia súc các loại, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xuống dưới 25%.

Bài, ảnh: Minh Tuấn

Nguồn: Báo Sơn La
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *