Sơn La: Đáp ứng nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm

Bảo đảm nguồn cung ứng thịt lợn cho thị trường, bình ổn giá thịt lợn hơi dịp cuối năm, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh tái đàn, tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh và kiểm soát chặt chẽ khâu trung gian để sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, giá cả hợp lý.

Những năm gần đây, huyện Bắc Yên chú trọng phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện có hơn 21.000 con, đảm bảo cung cấp nguồn thịt lợn đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các phương pháp vệ sinh, cách phòng trừ dịch bệnh và tiêm phòng cho gia súc, tránh để dịch bệnh xảy ra, gây thiệt hại cho người chăn nuôi dịp cuối năm.

nguồn cung thịt lợn

Nông dân xã Mường Cơi, huyện Phù Yên phát triển mô hình nuôi lợn thịt.

Còn tại huyện Phù Yên, tháng 8 có dịch bệnh tả lợn châu Phi tại xã Mường Do. Để dịch bệnh không bùng phát và lan rộng, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với xã khẩn trương khoanh vùng, khống chế, dập dịch; hướng dẫn nhân dân theo dõi đàn vật nuôi, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Huyện đã quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp loại bỏ dịch tả lợn châu Phi ra khỏi địa bàn. Những tháng cuối năm, đàn lợn đã cơ bản tái đàn, phát triển tốt. Hiện nay, toàn huyện có đàn lợn đạt hơn 31.000 con. Thời điểm này, đang diễn ra nhiều trận rét đậm, rét hại, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn bà con chủ động che chắn, chống rét và tăng cường thêm thức ăn cho đàn lợn trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong chăn nuôi trước tác động của thời tiết.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, toàn tỉnh đang có 640.000 con lợn. So với cùng kỳ năm trước, tổng đàn tăng 3,15%, tương đương 20.955 con, do dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, người dân chủ động triển khai phòng chống dịch có hiệu quả và đàn lợn được khôi phục.

Thăm khu chuồng nuôi lợn đã được vệ sinh, khử khuẩn cẩn thận, ông Lò Minh Văn, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, cho biết: Gia đình tôi nuôi lợn lâu năm, nên đầu tư hệ thống chuồng trại quy mô, kiên cố, có thể nuôi 50 con lợn nái, hơn trăm con lợn thịt xuất chuồng mỗi lứa. Dự kiến tết Giáp Thìn, gia đình tôi xuất bán 160-170 con lợn, tổng trọng lượng khoảng hơn 20 tấn, giá thịt lợn hơi hiện nay là hơn 51.000 – 52.000 đồng/kg, đến giáp Tết giá bán chắc chắn tăng lên khoảng 55.000 đồng/kg.

Còn trang trại nuôi lợn của gia đình anh Trần Như Kiên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, đang duy trì nuôi hơn 1.000 con lợn. Với số lượng lợn nuôi nhiều, việc phòng, chống dịch bệnh luôn được gia đình anh đặt lên hàng đầu và tuân thủ đúng quy trình. Anh Kiên cho biết: Chỉ còn 2 tháng nữa là Tết, việc chăm sóc đàn lợn hiện nay rất cẩn trọng, trang trại thực hiện nghiêm việc phun tiêu độc khử trùng 3-5 ngày/lần, hạn chế tối đa người ra, vào trang trại để tránh lây lan dịch bệnh từ nơi khác. Đảm bảo đạt mục tiêu xuất chuồng khoảng hơn 40 tấn thịt hơi ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, nông dân, HTX và các trang trại lợn trong tỉnh đã xuất bán 795.334 con lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 57.447 tấn, trọng lượng xuất chuồng bình quân hơn 72kg/con. So với cùng kỳ năm trước, số lượng xuất chuồng tăng 6,03%, tương đương 45.262 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 3.373 tấn, tăng 6,24%. Đạt được kết quả đó là do năm 2023, nhiều hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, du lịch được UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tổ chức hiệu quả, thu hút khách du lịch và nhân dân tham gia, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng lên.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành nông nghiệp đang tập trung theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật. Phối hợp với các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Ngoài ra, để đáp ứng nguồn cung thịt lợn giai đoạn cuối năm, ngành nông nghiệp chỉ đạo đảm bảo sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chăn nuôi mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi có phương án đảm bảo nguồn hàng ổn định tham gia chương trình; tối ưu hóa nguồn cung tại chỗ, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa ra thị trường với giá cả hợp lý.

Bài, ảnh: Quỳnh Ngọc

Nguồn: Báo Sơn La
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *