Siết chặt quản lý trâu, bò nhập lậu

(Người Chăn Nuôi) – Ngay sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) có văn bản chỉ đạo việc ngăn chặn trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu vào Việt Nam, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã tích cực vào cuộc.

Dịch bệnh lây lan mạnh

Theo Cục Thú y, đến cuối tháng 5/2021, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã xảy ra tại hơn 2.300 xã của 32 tỉnh, thành phố với tổng số khoảng 60.100 con gia súc mắc bệnh, hơn 9.500 con gia súc chết và tiêu hủy.

Cả nước hiện còn 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 201 huyện của 27 tỉnh, thành phố với hơn 48.400 con gia súc mắc bệnh, hơn 7.000 con gia súc chết và tiêu hủy.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch VDNC phát sinh và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc; Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt, các sản phẩm từ trâu, bò và vận chuyển trâu, bò.

Tại Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch VDNC trên trâu, bò tổ chức cuối tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Các địa phương cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch. Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biến giới, không rõ nguồn gốc…

quản lý trâu bò

Tăng cường các biện pháp phòng dịch viêm da nổi cục – Ảnh: ST

 

Ngăn chặn từ bên ngoài

Ngày 25/5/2021, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Công văn số 12/BCĐ-VPTT về việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm từ trâu bò từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị: Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố: Chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng, các đơn vị, địa phương trực thuộc quán triệt nghiêm túc, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Công điện số 631/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, lĩnh vực đơn vị mình phụ trách, quản lý; Tăng cường công tác nắm tình hình; Phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào Việt Nam.

Cùng đó, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò từ nước ngoài qua khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển trọng điểm vào Việt Nam và các hành vi mua bán, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Chủ động phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về các hoạt động vi phạm nêu trên với cơ quan thú y các cấp; Phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống các hoạt động tập kết, buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò theo quy định.

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương kịp thời tổ chức tuyên truyền về tình hình, kết quả phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm nêu trên của ngành, lực lượng chức năng, các đơn vị, địa phương.

 

Địa phương mạnh tay

Ngay sau công văn của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cũng nhanh chóng ban hành văn bản để triển khai thực hiện.

Ngày 14/6/2021, Ban Chỉ đạo 389 Đăk Lắk ban hành Công văn số 587/BCĐ-QLTT đề nghị các thành viên tăng cường công tác nắm tình hình; Phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò từ nước ngoài ra biên giới, cửa khẩu vào Việt Nam; Chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu hoạt động vi phạm nêu trên với cơ quan thú y các cấp; Phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo quy định.

Tại Lạng Sơn, ngày 15/6/2021, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành Công văn số 102/BCĐ-CQTT về việc tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, đường mòn biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò qua biên giới; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng hóa là thực phẩm tươi sống, nhất là thực phẩm có nguồn gốc động vật, sản phẩm từ trâu, bò. Đồng thời, tuyên truyền về tình hình, kết quả phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới.

Trước đó, ngày 7/6/2021, Ban Chỉ đạo 389 Yên Bái ban hành văn bản yêu cầu các lực lượng Công an, Nông nghiệp, Thú y, Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động tập kết, buôn bán, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò từ nước ngoài vào Việt Nam và các hành vi thu gom, mua bán, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, nghi mắc bệnh để tiêu thụ; Chủ động phối hợp với cơ quan báo, đài và truyền hình đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình, diễn biến của dịch bệnh VDNC trên trâu, bò và các thông tin về kết quả phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ xử lý của các cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Bảo Hân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *