Sàn giao dịch thịt lợn sẽ khác biệt ở mô hình tổ chức, cách vận hành và hạ tầng công nghệ hiện đại được áp dụng vào giao dịch; đặt lợi ích của người dân thành phố lên trên hết.
Chiều 14/8, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, Sở này vừa cùng Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh ký kết hợp tác xây dựng Sàn giao dịch thịt lợn.
Theo đó, các bên đồng ý hợp tác trong việc, nghiên cứu xây dựng và vận hành Sàn giao dịch thịt lợn tại Tp. Hồ Chí Minh theo hình thức Hợp đồng giao dịch giao ngay và Hợp đồng giao dịch kỳ hạn. Đồng thời, thành lập và phát triển Sàn giao dịch thịt lợn trên cơ sở hạ tầng của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, bao gồm: hệ thống giao dịch; hệ thống thanh toán; trung tâm thanh toán bù trừ; trung tâm giao nhận hàng hóa, cung cấp thông tin thị trường, giao dịch các loại hợp đồng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Quang cảnh buổi lễ ký kết. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Kế hoạch sẽ được triển khai lần lượt theo 3 giai đoạn: giao dịch chào giá song phương, giao dịch giao ngay tập trung và giao dịch kỳ hạn tập trung. Trong tất cả các giai đoạn, đều cần một đơn vị độc lập có vai trò truy xuất nguồn gốc, kiểm soát số lượng hàng, kiểm định chất lượng, đảm bảo hệ thống bảo quản và logistics hoạt động hiệu quả.
Đại diện các bên ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng Sàn Giao dịch thịt lợn Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sàn giao dịch thịt lợn sẽ giải quyết được các hạn chế của thị trường như sản phẩm không đồng bộ về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn; giết mổ còn thủ công, không đảm bảo vệ sinh dịch tễ, vệ sinh an toàn thực phẩm; phương thức kinh doanh còn đơn giản, thương lái chi phối thị trường”.
Là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước, Tp. Hồ Chí Minh mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, tổng giá trị lên đến 500 triệu USD/năm.
“Các bên sẽ áp dụng các mô hình tổ chức thị trường đang hoạt động hiệu quả trên thế giới và sử dụng hạ tầng công nghệ giao dịch tiên tiến nhất”, ông Phương cho biết thêm.
Đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc khẳng định: “Khi làm việc với các Sở Giao dịch hàng hóa lớn, đặc biệt là Sở giao dịch Hàng hóa Chicago, chúng tôi đã nhận được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Kết hợp với kinh nghiệm đang tổ chức một thị trường có hơn 30.000 tài khoản giao dịch 24 giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, cùng với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, MXV tin tưởng có thể hợp tác cùng các sở, ban, ngành của thành phố để xây dựng Sàn giao dịch thịt lợn hiệu quả”.
So với phương thức kinh doanh truyền thống, Sàn giao dịch thịt lợn sẽ khác biệt ở mô hình tổ chức, cách vận hành và hạ tầng công nghệ hiện đại được áp dụng vào giao dịch. “Các bên đều đặt lợi ích của người dân thành phố lên trên hết khi Sàn Giao dịch đi vào hoạt động”, ông Quỳnh chia sẻ.
Tại thị trường thịt lợn hiện nay, thương lái chiếm đến 85% giao dịch và đóng vai trò chi phối giá cả trên thị trường. Người chăn nuôi và người tiêu dùng luôn ở thế bị động.
Về cơ bản, ngành chăn nuôi tại Tp. Hồ Chí Minh đang phát triển theo xu hướng giết mổ tự động hoàn toàn, bảo quản thịt bằng xe lạnh. Sàn giao dịch thịt lợn được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả để giúp thành phố thực hiện quy hoạch chăn nuôi hiện đại, giảm dần chăn nuôi tự phát và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp. Quan trọng hơn, đây là cơ sở quan trọng cho việc hình thành ngành chăn nuôi lợn cho các tỉnh lân cận theo hướng công nghiệp bền vững./.
Đức Dũng
Nguồn: TTXVN