Sản xuất và thương mại thức ăn chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2021

(Người Chăn Nuôi) – 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù ngành chăn nuôi Việt Nam gặp nhiều khó khăn, song tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp vẫn tăng so cùng kỳ năm 2020, do sự phục hồi và tăng trưởng khá mạnh của ngành chăn nuôi heo, sau khi kiểm soát được Dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, giá nguyên liệu và TĂCN liên tục tăng cao vẫn là thách thức lớn của ngành chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm và cả các tháng cuối năm 2021.

Sản lượng tăng

Tháng 8/2021, sản lượng TĂCN công nghiệp cho gia súc, gia cầm của Việt Nam ước đạt 1.031,8 nghìn tấn, tăng 4,9% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng TĂCN công nghiệp của nước ta đạt 8.161,5 nghìn tấn, tăng hơn 9% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng TĂCN công nghiệp cho heo tăng mạnh, trong khi cho gia cầm lại giảm so cùng kỳ năm ngoái.

sản lượng thức ăn công nghiệp

Ðiểm đáng chú ý là trong khoảng thời gian này, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất TĂCN nội đang loay hoay thoát khỏi khủng hoảng nguyên liệu và buộc phải giảm sản lượng, thì một số doanh nghiệp nước ngoài không những vẫn ổn định sản lượng, mà còn tiếp tục tìm cách tăng công suất. Mặc dù đã chiếm ưu thế trên cuộc chiến giành thị phần, nhưng những gã khổng lồ đến từ nước ngoài này vẫn liên tục tăng đầu tư, xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam.

 

Giá tăng

Theo Cục Chăn nuôi, tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu TĂCN đều tăng so cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc, cụ thể: Ngô hạt 7.616,7 đồng/kg (tăng 35,1%), khô dầu đậu tương 13.091 đồng/kg (tăng 35,5%), DDGS (bã ngô) 8.847 đồng/kg (tăng 46%), cám mì 6.716,7 đồng/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994,4 đồng/kg (tăng 19,2%), cám gạo chiết ly 4.936,1 đồng/kg (tăng 16,1%), Methionine 64.950,6 đồng/kg (tăng 19,2%), Lysine 35.053,3 (tăng 16,3%).

thức ăn chăn nuôi

Trong tháng 8/2021, giá nhiều chủng loại nguyên liệu TĂCN vẫn tiếp tục tăng so các tháng trước. Giá TĂCN thành phẩm cũng tiếp tục tăng ở một số chủng loại. Trong đó, giá thức ăn đậm đặc dành cho heo con là 15.400 – 16.100 đồng/kg; Thức ăn đậm đặc loại cho gà thịt là 14.850 đồng/kg; Cám cho gà con là 12.050 – 14.550 đồng/kg; Cám cho gà thịt 10.050 – 13.800 đồng/kg; Cám cho gà đẻ là 10.100 – 13.500 đồng/kg; Thức ăn hỗn hợp loại cho heo từ 30 kg đến xuất chuồng là 12.050 – 14.250 đồng/kg; Cám cho heo nhỡ 15 – 30 kg là 11.200 – 14.100 đồng/kg; Cám cho heo từ 30 kg đến xuất chuồng là 10.700 – 14.050 đồng/kg, tăng 50 – 100 đồng/kg tùy loại.

 

Nhập khẩu cũng tăng

Nhìn chung, nhập khẩu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam từ hầu hết các thị trường chính trong 8 tháng đầu năm 2021 đều tăng cả về sản lượng và kim ngạch so cùng kỳ năm 2020. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2021, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 3,17 tỷ USD. Lũy kế 7 tháng năm 2021 đạt trên 2,93 tỷ USD, tăng 37,1% so cùng kỳ năm 2020.

Thị trường nhập khẩu nguyên liệu TĂCN chủ yếu là từ 3 quốc gia gồm: Argentina, chiếm 35,2% thị phần; Mỹ 16,3% và Brazil là 11,7%. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ 3 thị trường này đều tăng, mức tăng lần lượt là 19,6%, 77,7% và 66,5%. Argentina vẫn là thị trường cung cấp nguyên liệu (đậu tương, ngô) lớn nhất của Việt Nam. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, Argentina chiếm 35,2% tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam, đạt 1,03 tỷ USD, tăng 19,6% so cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2 với giá trị đạt 479,24 triệu USD, tăng 77,7%. Brazil giữ vị trí thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt 341,98 triệu USD, tăng 66,4%.

Nhập khẩu thức ăn gia súc từ thị trường EU 7 tháng đầu năm cũng tăng mạnh trên 62% so cùng kỳ năm 2020, đạt 241,2 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn gia súc từ thị trường Ðông Nam Á chỉ tăng nhẹ 2,6%, đạt 191,71 triệu USD. Nhìn chung, nhâp khẩu thức ăn gia súc từ hầu hết các thị trường chủ đạo trong 7 tháng đầu năm 2021 đều tăng kim ngạch so cùng kỳ năm 2020.

>> Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam dự báo, nhu cầu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam (không tính nguyên liệu thức ăn tự phối trộn thủ công) là khoảng 28 – 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12 – 13 tỷ USD, trong đó 14,5 – 15 triệu tấn sẽ dành cho sản xuất thức ăn gia cầm.

Nguyễn Thanh Sơn

         (Theo VITIC, Bộ Công thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *