(Người Chăn Nuôi) – Bằng phương pháp ủ lên men chua, người nuôi có thể tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như ngọn lá mía hay lá cây ngô xanh sau thu bắp để làm thức ăn cho gia súc trong mùa thiếu thức ăn xanh.
Quy trình ủ chua thân lá cây ngô xanh sau thu bắp
Thông thường, thức ăn ủ chua được làm từ toàn bộ thân cây ngô, tức là gồm cả lá, thân và bắp. Tuy nhiên có thể tận thu lá và thân cây ngô sau khi đã thu bắp để ủ chua. Người ta có thể thu bắp ngô lúc còn non (ngô bao tử), khi hạt chín sáp (ngô nếp để luộc) và sau khi hạt đã khô (ngô già). Các loại cây ngô này có thành phần hóa học rất khác nhau. Kỹ thuật ủ chua vì thế mà thay đổi tùy theo loại cây ngô đem sử dụng.
Nguyên liệu: Đối với cây ngô còn non có hàm lượng vật chất khô thấp thì cần phơi tái khoảng 2 ngày trước khi ủ để tăng hàm lượng VCK lên trên 25%. Đối với cây ngô già thì không phơi mà ủ ngay vào chính ngày thu hoạch bắp. Cần bổ sung thêm rỉ mật hoặc cám (để tăng bột đường). Thường dùng 10 kg rỉ mật cho một hố ủ 1,5 khối.
Hố ủ và dụng cụ: Hố ủ được xây dựng bằng gạch và xi măng. Trong điều kiện nông hộ mỗi hố có thể có kích thước 1 m x 1 m x 1,5 m = 1,5 khối. Cần có một số loại vật tư khác như: Sỏi hoặc gạch vỡ rải xuống đáy bể. Rơm lúa thật khô để rải lên sỏi và bao quanh thành bể; Đất để lấp kín tránh không khí vào bể; Hai đoạn tre dài 2 m để làm khung và phủ vải nhựa lên tránh mưa; Một hố ủ cũ đã dùng cần dọn vệ sinh cẩn thận và làm khô trước khi ủ đợt mới.
Cách ủ: Thái thân cây và lá ngô thành mẩu 6 – 10 cm. Loại bỏ những lá khô ở gốc cây (nếu có). Chất nguyên liệu vào hố ủ theo từng lớp dày 15 – 20 cm và nén chặt. Đối với cây ngô già thì hòa rỉ mật đường với 50% nước và tưới đều. Chú ý không ủ vào lúc trời mưa.
Cho ăn: Sau khi ủ 3 tuần có thể lấy ra cho gia súc ăn. Lấy vừa đủ lượng cần thiết cho từng bữa, sau đó đậy kín hố ủ để tránh không khí và nước mưa ngấm vào.
Quy trình ủ chua ngọn lá mía
Ngọn lá mía là phần trên của cây mía được chặt bỏ lại sau khi thu hoạch. Đây là một nguồn phụ phẩm có khối lượng rất lớn của ngành mía đường. Nếu biết sử dụng ngọn mía một cách hợp lý có thể tạo được một nguồn thức ăn thô dồi dào quanh năm cho gia súc nhai lại. Về nguyên tắc, gia súc nhai lại hoàn toàn có thể sử dụng nguồn phụ phẩm này làm thức ăn. Đặc biệt vụ thu hoạch mía (tháng 11 – 3) trùng với vụ thiếu cỏ xanh nên ngọn lá mía có thể dùng làm nguồn thức ăn thô xanh quan trọng cho trâu, bò. Tuy nhiên, do việc thu hoạch mía mang tính ồ ạt theo từng đợt nên cần được ủ chua để sử dụng được rải vụ.
Khi thu hoạch mía làm đường, phần ngọn lá còn xanh chiếm từ 10 – 12% tổng sinh khối cây mía. Do đó, ước tính ở nước ta hiện nay có khoảng 1,5 triệu tấn phụ phẩm này. Mặc dù hàm lượng xơ cao (40 – 43%) nhưng lá mía lại chứa một lượng đáng kể dẫn xuất không đạm thích hợp cho quá trình lên men và có thể dùng để ủ chua. Ngọn lá mía khi thu hoạch được thái nhỏ từ 2 – 3 cm (phần cứng như búp ngọn cần đập dập trước khi thái). Cứ 100 kg ngọn lá mía cần bổ sung thêm 1,5 kg rỉ mật, 3 kg bột sắn và 0,5 kg muối ăn.
Phương pháp chuẩn bị hố ủ, cách ủ tương tự như ủ cây ngô. Ngọn lá mía ủ chua sau 3 – 4 tuần có thể lấy cho trâu, bò ăn; thức ăn ủ có màu vàng, mùi vị chua, trâu, bò rất thích ăn. Hàng ngày, trâu, bò cày kéo nên cho ăn 10 – 12 kg và ăn thêm cỏ xanh, rơm. Trâu, bò không phải làm việc trong mùa đông cho ăn 5 – 7 kg cùng với rơm lúa và chăn thả. Lưu ý, không nấu chín thức ăn ủ vì sẽ làm mất vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Khi lấy thức ăn cho gia súc nên lấy gọn gàng, theo trình tự, tránh lãng phí, nên lấy lớp đất lên trên vừa đủ rộng, không được cùng một lúc bóc hết lớp đất phủ phía trên hố ủ.