(Người Chăn Nuôi) – Tối 28/8 tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh phối hợp với Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI 360) đồng tổ chức Lễ công bố giai đoạn 2 của Chương trình Hỗ trợ quốc gia Quỹ Fleming trị giá 3,4 triệu bảng Anh để cải thiện tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam.
Tối 28/8 tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố giai đoạn 2 của Chương trình Hỗ trợ quốc gia Quỹ Fleming.
Với sự tham gia của đối tác chính phủ, các tổ chức phát triển và các bên liên quan, sự kiện nhấn mạnh tinh thần hợp tác – kim chi nam trong cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong cuộc chiến chống kháng thuốc, ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam và thể hiện cam kết chung để giải quyết một trong những thách thức y tế cấp bách hàng đầu của nhân loại.
Phát biểu tại sự kiện, ông Iain Frew, Đại sứ Anh đánh giá cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong giải quyết vấn đề kháng thuốc. “Vương quốc Anh và Việt Nam đều đã cam kết trở thành đối tác quốc tế có trách nhiệm trong quản lý kháng thuốc. Giai đoạn 2, Quỹ Fleming sẽ tiếp tục nỗ lực không chỉ nâng cao công tác quản lý kháng thuốc tại Việt Nam mà còn thiết lập hình mẫu cho các quốc gia khác đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự, nhằm tăng cường hợp tác kháng thuốc trên toàn cầu”, Đại sứ Iain Frew nhấn mạnh.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew đánh giá cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong giải quyết vấn đề kháng thuốc.
Từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2024, FHI 360 đã phối hợp với các cơ quan chính phủ và các đối tác triển khai tại Việt Nam để tiến hành thành công giai đoạn 1 của Chương trình với nguồn tài trợ trị giá 8,8 triệu bảng Anh. Mạng lưới giám sát kháng thuốc quốc gia đã được thành lập tại 17 phòng xét nghiệm, 3 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia ngành y tế và 3 phòng xét nghiệm ngành thú y. Trong đó, thành tựu chính là tăng cường năng lực kỹ thuật, quản lý và báo cáo dữ liệu, thực hành an toàn và an ninh sinh học, cải thiện hệ thống quản lý thông tin, cải tạo cơ sở hạ tầng và cung ứng trang thiết bị cho các phòng xét nghiệm.
Đại diện Bộ NN&PTNT, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, trong giai đoạn I của chương trình, dưới sự điều phối của FHI 360 Việt Nam, 3 phòng thí nghiệm về thú y đã được hỗ trợ và tham gia vào hệ thống giám sát kháng kháng sinh quốc gia lĩnh vực thú y. Trong suốt quá trình thực hiện, các phòng thí nghiệm đều được tăng cường năng lực kỹ thuật quản lý và báo cáo dữ liệu, tăng cường an toàn sinh học và an ninh sinh học và quản lý thông tin. Bên cạnh đó, các phòng thí nghiệm đã nhận được hỗ trợ giúp cải tạo cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị.
Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy khẳng định, những nỗ lực của Fleming đã tạo tiền đề cho hoạt động giám sát kháng thuốc chủ động trên động vật.
Bà Thủy cho biết thêm, đến nay, hoạt động giám sát AMR chủ động trên toàn quốc đã được Cục Thú y tiến hành hàng năm tại 15 tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2023 với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming. Dữ liệu kháng kháng sinh đã được báo cáo lên cổng thông tin AMR và được phần mềm WHONET (Chương trình phân tích và quản lý dữ liệu phòng thí nghiệm vi sinh) phân tích, đồng thời dữ liệu được chia sẻ với các cơ quan chức năng của 15 tỉnh và 3 phòng xét nghiệm AH và được các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh sử dụng làm tài liệu tham khảo để lập kế hoạch, xây dựng và triển khai giám sát kháng kháng sinh chủ động của tỉnh vào năm 2023.
“Những nỗ lực này đã tạo tiền đề cho hoạt động giám sát kháng thuốc chủ động trên heo và gà, hỗ trợ chiến lược quốc gia theo phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất trong chia sẻ kiến thức về kháng thuốc”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
Được biết, giai đoạn 2 của Chương trình với nguồn viện trợ 3,4 triệu bảng Anh triển khai tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2025. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực khả năng chẩn đoán và báo cáo về sự kháng thuốc của vi khuẩn và củng cố Hệ thống quốc gia về giám sát vi khuẩn kháng thuốc, quản lý sử dụng và tiêu thụ kháng sinh trong ngành y tế, thú y và môi trường thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe.
Giai đoạn II sẽ tiếp tục hợp tác với FHI 360, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, Tổ chức PATH và các đối tác chính phủ bao gồm Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế); Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) và Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Giai đoạn này được kỳ vọng sẽ đảm bảo chất lượng công tác thu thập và phân tích dữ liệu kháng thuốc, chia sẻ rộng rãi các kết quả dữ liệu sau phân tích và đảm bảo đầu tư bền vững cho công tác quản lý kháng thuốc ở cấp quốc gia và toàn cầu.
Thùy Khánh
Ảnh: Thanh Thủy