Quảng Trị: Khó khăn trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Từ cuối tháng 10/2023 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã bùng phát và lây lan tại 25 xã của 7 huyện, thị xã trong tỉnh. Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống, song hiện tại dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, công tác khống chế dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn.

Xuất hiện đầu tiên tại xã Triệu Tài vào ngày 26/10, đến nay bệnh DTLCP đã xảy ra tại 217 hộ, 56 thôn của toàn bộ 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Triệu Phong. Tổng số lợn bị bệnh, chết buộc chôn hủy là 1.042 con với tổng trọng lượng gần 47 tấn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho biết, ngay sau khi xuất hiện bệnh DTLCP, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương và cơ quan chuyên môn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

dịch tả heo châu Phi

Cơ quan chuyên môn kiểm tra đàn lợn sau tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi của chị Phan Thị Trúc ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong – Ảnh: L.A

Cụ thể, đã tiếp nhận 700 lít hóa chất từ nguồn hỗ trợ ngân sách tỉnh, bố trí ngân sách huyện để mua 300 lít hóa chất, 4 tấn vôi bột để triển khai phòng, chống dịch. Các xã, thị trấn cũng đã bố trí ngân sách địa phương mua 20 tấn vôi bột và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh với phương châm “huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ”.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Đối với những địa phương đã công bố dịch không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Nhờ vậy, hiện nay mặc dù dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan nhưng với tốc độ chậm hơn, nhiều địa phương không phát sinh thêm ổ dịch mới.

“Để chủ động phòng, chống dịch bệnh tiếp tục lây lan diện rộng, trong điều kiện ngân sách huyện còn khó khăn, huyện Triệu Phong đang đề nghị cấp trên hỗ trợ 4.000 lít hóa chất để triển khai tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn huyện”, ông Công cho biết thêm.

Theo thống kê, từ cuối tháng 10/2023 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 231 hộ, 66 thôn thuộc 25 xã, phường, thị trấn của các huyện Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà với tổng số 1.114 con lợn bị bệnh, chết buộc chôn hủy. Tổng trọng lượng tiêu hủy là hơn 51,4 tấn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Trung Hậu cho biết, nguyên nhân DTLCP bùng phát và lây lan nhanh trước hết là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch; còn tình trạng giấu dịch, đưa lợn bệnh ra chợ bán, phát hiện lợn bị bệnh nhưng không báo với cơ quan chức năng.

Đợt mưa lũ trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua xuất hiện tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường khiến mầm bệnh phát tán, lây lan nhanh. Hầu hết các ổ dịch bùng phát tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, không bảo đảm an toàn sinh học.

Thời điểm này người dân đang tập trung nuôi lợn để chuẩn bị bán trong dịp tết Nguyên đán nên số lượng lợn bị bệnh, chết đưa đi tiêu hủy nhiều.

Liên quan đến việc tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn, ông Hậu thông tin, hiện có 2 loại vắc xin DTLCP là NAVETASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp giấy chứng nhận lưu hành.

Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cho đàn lợn cũng rất nan giải. Nguyên nhân là hiện tại giá của 2 loại vắc xin này đang khá cao nhưng do không nằm trong danh mục các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm cho đàn lợn nên không được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc xin chỉ được tiêm cho lợn thịt và yêu cầu lợn phải khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh đang xảy ra như hiện nay, lợn có thể đã mang vi rút bệnh nhưng vẫn có biểu hiện bình thường. Nếu tiêm vào mà lợn chết thì rất khó giải thích cho người dân hiểu.

“Do vậy, chỉ có thể tiêm vắc xin DTLCP theo diện xã hội hóa và tự nguyện. Với điều kiện rà soát lợn khỏe mạnh, người dân cam kết không phản ứng, kiện cáo nếu có sự cố sau khi tiêm”, ông Hậu cho biết thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, tại thị xã Quảng Trị và các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Cam Lộ, sau khi phát hiện và thực hiện các biện pháp chống dịch thì đến nay chưa phát sinh thêm ca bệnh mới.

Vấn đề quan tâm hiện nay là mặc dù có tổng đàn lợn hơn 285.000 con nhưng ở trong tỉnh, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn (hơn 50%), không đảm bảo các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh rất khó kiểm soát; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh cũng như không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, người chăn nuôi; nhiều người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

“Ngoài ra, tỉnh đang thiếu hóa chất, kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống bệnh DTLCP. Ngành Nông nghiệp đang trình UBND tỉnh xin trung ương hỗ trợ 15.000 lít hóa chất để phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả hơn”, ông Quốc cho hay.

Lê An

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *